Vietstock - Thủy sản thiệt hại lớn từ 'thẻ vàng' EC
Ủy ban nghề cá của Nghị viện châu Âu đang làm việc tại VN. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực chạy đua với thời gian để EU gỡ thẻ vàng IUU vào đầu năm tới.
Lực lượng chức năng Bình Định kiểm tra sản phẩm cá ngừ đại dương tại cảng cá Quy Nhơn - Ảnh: MINH HẢI
|
Tuy nhiên, dù đã bị xử lý mạnh thời gian qua nhưng vẫn còn những vi phạm.
Chính quyền quyết liệt
Chiều 29-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Châu - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - xác nhận theo kế hoạch, ngày 31-10 đoàn của Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu sẽ đến tỉnh này kiểm tra, giám sát việc khắc phục khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Theo kế hoạch, sau khi làm việc với UBND tỉnh Bình Định, đoàn Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu sẽ khảo sát tại các cảng cá để kiểm tra việc thực hiện quy định đăng ký, khai thác thủy sản của các tàu thuyền; khảo sát tại 1 doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu hải sản về truy xuất nguồn gốc, bảo quản sản phẩm...
Ông Trần Châu cho biết sau khi EU phạt và kéo dài thời gian "thẻ vàng", tỉnh Bình Định đã thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ cấp bách nhưng vẫn còn tồn tại vi phạm. "Tỉnh đang tiếp tục cố gắng để cuối năm nay xử lý dứt điểm" - ông Châu nói.
Theo ông Châu, còn 2 tồn tại quan trọng. Thứ nhất, vẫn còn tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Định tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT hôm 17-10, từ đầu năm đến thời điểm trên, toàn tỉnh có 21 tàu cá với 119 ngư dân vi phạm lãnh hải bị nước ngoài bắt giữ. Khó khăn thứ hai là tàu thuyền hành nghề giã cào, xung điện... vẫn lén lút hoạt động.
Theo ông Huỳnh Văn Thải - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, sau khi bị "thẻ vàng" về IUU, những trường hợp vi phạm bị xử lý rất nghiêm. Với chủ tàu sở hữu 4-5 tàu cá, chỉ một tàu vi phạm cũng sẽ bị tước hết quyền lợi các tàu còn lại. Tuy nhiên, vấn đề ghi nhật ký một số chủ tàu chưa nghiêm túc thực hiện. Dự kiến từ ngày 1-11, Bình Thuận sẽ xử phạt các tàu không ghi nhật ký khai thác.
Xuất khẩu giảm, DN chịu thiệt hại
Theo các DN, trong một năm qua xuất khẩu hải sản của VN sang thị trường EU chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do tác động của thẻ vàng IUU. Hải sản VN sang EU có doanh số mỗi năm 350-400 triệu USD, chiếm
16-17% tổng xuất khẩu hải sản VN. Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hải sản sang thị trường này giảm tới 25% so với cùng kỳ 2017, còn 252 triệu USD.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), thẻ vàng IUU đã khiến giảm nhập khẩu hải sản khai thác từ VN và dự báo tiếp tục giảm. Trong đó xuất khẩu các mặt hàng mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá biển sang EU sẽ tiếp tục giảm mạnh do vướng mắc trong thủ tục chứng nhận xác nhận nguồn gốc khai thác.
Theo nhiều DN, nỗ lực của họ là không đủ vì EU giám sát cả chuỗi hải sản từ khai thác đến thu mua và chế biến. Bà Cao Thị Kim Lan, tổng giám đốc Công ty Bidifisco (Bình Định), cho rằng các DN đang tốn rất nhiều thời gian, công sức cũng như cơ hội kinh doanh do các khâu kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thiếu hợp lý. Do thủ tục kiểm tra thông tin tại các cảng cá kéo dài nên DN buộc phải mua hàng về kho trước, rồi đợi xác minh giấy tờ...
Theo các DN, khi bị cảnh cáo thẻ vàng IUU thì 100% các lô hàng hải sản VN vào thị trường này sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, sẽ tốn thêm thời gian, chi phí và rủi ro cho DN. Chưa kể tác động từ EU cũng sẽ kéo theo những thị trường khác áp dụng các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo hơn.
Cơ hội để chuyển đổi Chiều 29-10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu do ông Mato Gabriel - nghị sĩ, người phát ngôn Ủy ban nghề cá - dẫn đầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh VN coi việc cảnh báo "thẻ vàng" của EC là cơ hội để chuyển đổi sang nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm. Đến nay, VN đã đạt kết quả ở 4 nhóm vấn đề gồm: sửa đổi khung pháp lý, tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát, kiểm soát hoạt động tàu cá; tăng cường triển khai thực thi pháp luật, sửa đổi, hoàn chỉnh công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Thủ tướng đề nghị đoàn công tác ủng hộ để EC xem xét tích cực nỗ lực của VN, sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" với xuất khẩu thủy sản của VN sang EU. Ông Mato Gabriel bày tỏ tin tưởng các hoạt động của đoàn lần này tại VN sẽ đạt kết quả tốt, để làm cơ sở sớm đề nghị EC gỡ bỏ "thẻ vàng" với VN. Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quang Hùng cho biết sau khi làm việc với các cơ quan trung ương, đoàn Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu sẽ đi thực địa tại Bình Định và Quảng Ninh. Chuyến đi của đoàn là cơ sở để kiến nghị với EC sớm gỡ "thẻ vàng" với xuất khẩu thủy sản của VN. Một cuộc kiểm tra vào đầu tháng 1-2019 sẽ quyết định việc có gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản VN hay không.
C.Tuệ - Đ.Tuân
|
T.MẠNH - D.THANH - M.HẢI
TUỔI TRẺ