Vietstock - Dầu tăng liền hai phiên khi dự trữ tại Mỹ suy giảm
Các hợp đồng dầu tương lai tăng giá trong ngày thứ Năm (15/11), ổn định trở lại sau khi giảm mạnh trong tuần này, vì đà giảm của dự trữ nhiên liệu tại Mỹ góp phần bù đắp cho nỗi lo ngại về khả năng rơi vào trạng thái dư cung vào năm tới.
Giá dầu cũng được hỗ trợ từ thông tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) báo hiệu có thể cắt giảm sản lượng vào năm 2019.
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Năm (15/11), hợp đồng dầu Brent tương lai cộng 50 xu (tương ứng 0.8%) lên 66.62 USD/thùng.
Hợp đồng dầu WTI kết thúc phiên ngày thứ Năm (15/11) tăng 21 xu (tương ứng 0.4%) lên 56.46 USD/thùng.
Giá dầu xóa bớt đà tăng sau khi dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô nhảy vọt 10.3 triệu thùng trong tuần trước, tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2018, cao hơn rất nhiều so với mức dự báo 3.2 triệu thùng của các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters.
Trong khi đó, dự trữ xăng giảm 1.4 triệu thùng, còn dự trữ các sản phẩm trưng cất tụt 3.6 triệu thùng, theo dữ liệu từ EIA.
OPEC – dẫn đầu là Ả-rập Xê-út – đang cân nhắc giảm sản lượng tới 1.4 triệu thùng/ngày vào năm tới để tránh tình trạng dư cung toàn cầu – vốn đã khiến giá dầu lao dốc không phanh trong năm 2014.
Trước đó trong ngày thứ Năm (15/11), hai nguồn tin từ Nga cho biết, Nga không muốn tham gia cắt giảm sản lượng do các đối tác đề xuất.
“Một đợt cắt giảm sẽ giúp ích nhiều, nhưng dựa trên tính toán của tôi, chúng ta cần cắt giảm ít nhất tới 1.5 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm. Chỉ nói không thì chẳng có ích gì. Thị trường cần phải thấy được hành động cụ thể”, Warren Patterson, Chiến lược gia hàng hóa tại ING, cho hay.
Tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và OPEC lên tiếng cảnh báo về khả năng xảy ra tình trạng dư cung trong nửa đầu năm 2019 và có khả năng là sau đó nữa, khi xét tới tăng trưởng sản lượng của các nhà sản xuất bên ngoài OPEC và đà giảm tốc nhu cầu của các quốc gia tiêu thụ nhiều dầu như Trung Quốc và Ấn Độ.
Giá dầu đã mất 25% chỉ trong vòng 6 tuần, vì áp lực từ đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu và đà tăng sản lượng dầu thô từ Mỹ.
“Các công ty lọc dầu và người tiêu dùng châu Á mà chúng tôi có trao đổi đang đề cập tới nỗi lo về đà giảm tốc về nhu cầu dầu”, Mike Corley, Chủ tịch của Mercatus Energy Advisors, cho hay.
Hôm thứ Tư (14/11), Morgan Stanley cho biết các điều kiện kinh tế của Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn nhiều trong quý 3/2018, trong khi các chuyên viên phân tích tại Capital Economics cho biết triển vọng kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn vẫn còn tiêu cực.
Vũ Hạo (Theo CNBC)