Vietstock - Cơn sốt G20 qua đi, chứng khoán châu Á lại một phen biến động
Người đời thường nói: Cái gì dễ đến thì cũng dễ đi. Thật vậy, đà tăng 2% của ngày thứ Hai (03/12) của thị trường chứng khoán châu Á giờ đã mất sạch.
Cơn sốt khởi đầu cho tâm lý hưng phấn cho nhà đầu tư sau thỏa thuận đình chiến Mỹ-Trung đã biến mất trong vòng 2 ngày. Đà lao dốc trong ngày thứ Ba (04/12) chủ yếu xuất phát từ làn sóng bán tháo mạnh ở Nhật Bản giữa lúc nhà đầu tư muốn chốt lời và những bất ổn xoay quanh mối quan hệ thương mại tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc xuất hiện. Nối tiếp đó là chứng khoán Mỹ “cắm đầu” trong đêm qua và sau đó lan rộng qua tới châu Á trong phiên hôm nay.
Với khả năng xuất hiện thêm nhiều dòng tweet từ phía ông Trump, các tuyên bố về thỏa thuận đình chiến thương mại và các kế hoạch thuế quan từ cả hai bên Mỹ-Trung, chuyện biến động gia tăng cũng là điều dễ hiểu. Chẳng hạn như trong ngày hôm nay (05/12), chỉ số Shanghai Composite sụt tới 1.5% vào lúc khởi đầu phiên, nhưng sau đó chỉ còn giảm nhẹ 0.5%, còn chỉ số Nikkei 225 xóa bớt một nửa mức giảm đầu phiên và chỉ còn giảm 0.5% vào lúc đóng cửa.
Dĩ nhiên, không phải là không có tin tốt.
- Xuất hiện dấu hiệu từ Trung Quốc cho thấy quốc gia này đang đạt được bước tiến trong việc giải quyết căng thẳng thương mại: Sau khi thông báo hàng loạt biện pháp phạt về hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ, Trung Quốc cho biết họ sẽ nhanh chóng triển khai thỏa thuận thương mại.
- Chỉ số PMI dịch vụ của Trung Quốc tăng trưởng mạnh hơn dự báo trong tháng 11/2018.
- Dữ liệu từ Markit PMI cho thấy các nền kinh tế tại các thị trường mới nổi đã ổn định trở lại.
Tuy là vậy, nhưng tại thời điểm này dường như chẳng có gì có thể xoa dịu hoàn toàn nỗi lo của nhà đầu tư về đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, nhất là khi một phân khúc của đường cong lợi suất trái phiếu Chỉnh phủ Mỹ đã bị đảo ngược lần đầu tiên trong 1 thập kỷ. Mô tả đây là “vấn đề rất đáng quan ngại” đối với nhà đầu tư, Tai Hui – Trưởng Bộ phận chiến lược thị trường châu Á-Thái Bình Dương tại JPMorgan Asset Management, cho biết thị trường chứng khoán sẽ trở nên biến động nhiều hơn khi nền kinh tế Mỹ bước vào cuối chu kỳ.
“Xét trên cơ sở tỷ suất sinh lợi đã điều chỉnh rủi ro, cổ phiếu có vẻ như kém hấp dẫn hơn so với trước đây”, ông viết trong một báo cáo. Những chuyên gia khác cũng tỏ ra lo ngại về tăng trưởng toàn cầu:
- Trong một cuộc phỏng vấn, John Rachmat, Chiến lược gia của PT Pinnacle Persada Investama, cho rằng nỗi lo về suy thoái tại Mỹ còn đáng quan ngại hơn cả khả năng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu nói chung.
- Steve Medina, Giám đốc đầu tư phụ trách cổ phiếu toàn cầu tại Manulife Asset Management, nhận định, hoạt động bán theo yếu tố kỹ thuật, sự đảo ngược của đường cong lợi suất, nỗi lo về Brexit và bất ổn về lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là những lý do đằng sau làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán.
- Chuyên gia phân tích tại CMC Markets Singapore, Margaret Yang Yan, cho biết trong một báo cáo rằng “nỗi sợ về khả năng giảm tốc vào năm tới trong bối cảnh bất ổn thương mại và lãi suất ngày càng tăng đã bắt đầu xóa nhòa nền tảng của thị trường con bò, qua đó châm ngòi cho làn sóng đổ xô sang tài sản an toàn và tiền mặt”.
Ở Đông Nam Á, cổ phiếu Philippines chuẩn bị chấm dứt chuỗi tăng 2 ngày liên tiếp, mặc dù lạm phát nước này bắt đầu suy giảm. Chỉ số Straits Times Index của Singapore cũng rớt hơn 1%, còn thị trường Thái Lan đóng cửa trong ngày hôm nay.
Về phần các trader chứng khoán Mỹ, thị trường sẽ đóng cửa trong ngày thứ Tư (05/12) để tưởng niệm cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush (Bush “cha”).
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)