Vietstock - Đồng bằng sông Cửu Long: Loay hoay với dự án Trung tâm Logistics
Nếu ĐBSCL có cảng nước sâu để xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp thì mỗi năm ĐBSCL tiết kiệm được hàng tỷ USD chi phí logistics.
Điều này đã được xác định trong Quy hoạch phát triển vùng từ nhiều thập niên qua nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.
ĐBSCL rất cần có cảng biển để phục vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa.
|
Kỳ I: 2 năm chưa thu hẹp được 200m
Gần 2 năm trước Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp đã có phản ánh về việc Cảng Cái Cui thuộc Vinalines và Tân Cảng Cái Cui thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cùng khai thác 2 bến cảng tại Cụm cảng Cái Cui.
Hai cảng này chỉ cách nhau 200 m nhưng thiếu sự hợp tác, liên kết, mạnh ai nấy làm dù cả hai đều là doanh nghiệp nhà nước. Việc khai thác riêng lẻ, manh mún của hai đơn vị không chỉ làm cho hiệu quả kinh doanh không cao mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển Cụm cảng này thành một Trung tâm logistics của vùng.
Trong chuyến thị sát tại Cụm cảng này vào đầu năm 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu hai đơn vị phải hợp lực với nhau để nâng cao hiệu quả hoạt động tại cụm cảng này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này việc hợp tác giữa hai cảng vẫn chưa ngã ngũ.
Mới đây (ngày 2/5), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp về phương án phát triển Cụm cảng này.
Theo Bộ trưởng, dự báo, nhu cầu hàng hóa khu vực cảng biển Cần Thơ vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 8 triệu tấn/năm, trong khi hiện tại, công suất khai thác mới chỉ đạt 30%. Dư địa để phát triển vận tải biển khu vực này còn rất lớn. Vì vậy, bến cảng Cái Cui cần phải được chú trọng phát triển thành trung tâm logistics, đầu mối gom hàng để giảm chi phí hàng hóa, giảm áp lực cho vận tải đường bộ, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế TP Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.
"Để cảng Cái Cui có được diện mạo mới, hai doanh nghiệp khai thác cảng cần liên kết với nhau. Nếu sau 1 tháng, 2 đơn vị không thỏa thuận được, lãnh đạo Bộ GTVT sẽ chủ trì cuộc họp có sự góp mặt của các bộ, ngành liên quan tìm giải pháp trên cơ sở 3 phương án: Vinalines giữ 51%, bán toàn bộ 49% vốn Nhà nước cho Tổng Công ty Tân Cảng, hoặc ngược lại; nếu 2 đơn vị đang khai thác không tìm được tiếng nói chung thì Bộ sẽ tính đến phương án phương án mời nhà đầu tư khác”.
Hiện nay, hệ thống cảng tại khu vực ĐBSCL chủ yếu nằm trong sông, luồng vào cảng còn hạn chế, kể cả khi hoàn thành Dự án Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố cũng mới chỉ đáp ứng cho tàu trọng tải 1-2 vạn tấn ra vào, do có rất ít cảng contairner chuyên dùng nên có hơn 70% hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL bằng đường bộ lên Cụm cảng khu vực miền Đông Nam Bộ với chi phí tăng hơn khoảng 10USD/tấn.
Thượng tá Phùng Ngọc Minh, Phó Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, dự kiến đầu năm nay, Tân Cảng sẽ đưa tàu container feeder quốc tế đi tuyến Singapore nhưng do giữa năm 2017 đến nay luồng kênh Quan Chánh Bố có nơi độ sâu chỉ đạt 3,5m nên chưa thể thực hiện được kế hoạch này.
(Kỳ II: Cần cảng nước sâu cho cả vùng)
Huỳnh Khởi