Vietstock - Sản lượng dầu từ OPEC giảm lần đầu tiên kể từ tháng 3
Sản lượng dầu tháng 8 của OPEC suy giảm lần đầu tiên kể từ tháng 3/2017, khi sản lượng của một vài nhà xuất khầu chủ chốt thuộc nhóm này thụt lùi, CNBC cho hay.
Theo báo cáo định kỳ của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) công bố trong ngày thứ Ba, nhóm 14 thành viên này sản xuất khoảng 32.76 triệu thùng/ngày trong tháng vừa qua, tức giảm 79,100 thùng/ngày so với tháng 7/2017.
Vào cuối năm 2016, OPEC đã chung tay với một số nhà sản xuất khác, bao gồm cả Nga, để cắt giảm 1.8 triệu thùng/ngày nhằm xoa dịu tình trạng dư cung và hỗ trợ giá dầu. Và trong tháng 5/2017, các nhà sản xuất đã quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối tháng 3/2018.
Giá dầu đã tăng mạnh trong tuần này khi Ả-rập Xê-út tổ chức bàn luận về việc gia hạn sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng hết hạn vào cuối tháng 3 năm tới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10 trên sàn Nymex tiến 16 xu (tương đương 0.3%) lên 48.23 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 11 trên sàn Luân Đôn cộng 43 xu (tương đương 0.8%) lên 54.27 USD/thùng.
Đề cập dến quyết định gia hạn thỏa thuận, Alexander Novak, Bộ trưởng Năng lượng Nga, cho rằng vẫn còn quá sớm để quyết định về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng, khi thị trường dầu đang tái cân bằng trở lại. Ngoài ra, ông Novak cũng nói thêm nếu thị trường dầu khó khăn trong việc tiến tới điểm cân bằng thì họ sẽ bàn luận về lựa chọn gia hạn, sau khi thỏa thuận hết hạn vào ngày 31/03/2018.
Trong tháng 7/2017, nguồn cung dầu thô của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – một nhóm bao gồm các quốc gia phát triển – ở mức 195 triệu thùng, cao hơn cả mức bình quân 5 năm.
Sản lượng ngày càng tăng từ 2 thành viên của OPEC là Libya và Nigeria đã gây trở ngại đến nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC. Được biết, trước đó, 2 quốc gia này được miễn tham gia vào thỏa thuận vì sản lượng của họ đã giảm rất mạnh do xung đột nội bộ. Sau đó, Libya và Nigeria ra sức bơm dầu, qua đó khiến sản lượng của họ đã tăng nhanh hơn dự báo.
Tuy nhiên, trong tháng trước, xu hướng ở Libya đã bị đảo ngược khi sản lượng dầu thô nước này giảm 112,000 thùng/ngày xuống 890,000 thùng/ngày. Mỏ dầu lớn nhất của Libya là Sharara tiếp tục bị gián đoạn sản xuất vì các cuộc biểu tình.
Trong khi đó, sản lượng của Nigeria lại tăng lên 138,000 thùng/ngày lên 1.86 triệu thùng/ngày, qua đó bù đắp cho đà sụt giảm sản lượng của Libya.
Sản lượng từ nhà sản xuất hàng đầu OPEC, Ả-rập Xê-út, cũng giảm nhẹ xuống mức trên 10 triệu thùng/ngày. Vương quốc này đã cắt giảm sản lượng mạnh vào đầu năm 2017 – qua đó bù đắp cho những thành viên OPEC khác không đạt được đúng mức hạn ngạch cam kết trong thỏa thuận.
Iraq và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) đã cắt giảm sản lượng trong tháng 8 vừa qua, nhưng vẫn còn cao hơn mức cam kết trong thỏa thuận. Trong khi đó, sản lượng dầu tại Venezuela tiếp tục thụt lùi khi rơi vào cơn khủng hoảng kinh tế.
OPEC đã nâng triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2017 và 2018. Hiện Tổ chức này tin rằng thế giới sẽ tiêu thụ 96.77 triệu thùng/ngày trong năm nay và 98.12 triệu thùng/ngày vào năm kế tiếp.
Việc nâng triển vọng nhu cầu một phần là vì tăng trưởng kinh tế lạc quan hơn dự báo. Ngoài ra, OPEC cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 3.4% lên 3.5% trong năm 2017.
“Kinh tế toàn cầu đang trên đà tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây và đã trở nên cân bằng hơn, trong đó các nền kinh tế chủ chốt đều cho thấy mức tăng trưởng dương trong năm 2017, và xu hướng này được kỳ vọng tiếp tục trong năm 2018”, OPEC cho biết.