Investing.com – Đồng Đô la Mỹ tăng so với đồng Bảng Anh và đồng Yên Nhật nhưng giảm so với đồng Euro sau khi Mỹ công bố dữ liệu việc làm thấp hơn kì vọng.
Chỉ số USD index ít thay đổi, ở mức 97,130, lúc 3:10 AM ET (0810GMT). Tuy nhiên đồng Đô la Mỹ đã tăng 0,5% so với đồng Bảng Anh do đang có nhiều thông tin làm tăng kì vọng Ngân hàng trung ương Anh sẽ giảm lãi suất. Đồng Euro tăng nhẹ, ở mức 1,1128USD.
Bài phát biểu của Thống đốc Mark Carney và thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC), Silvana Tenreyro, trong tuần trước đã khiến cho thị trường kì vọng về việc giảm lãi suất. Cuối tuần qua, một thành viên khác của MPC, Gertjan Vlieghe, trong một bài phỏng vấn với Financial Times, đã cho rằng lãi suất sẽ giảm trừ khi “dữ liệu cho thấy nền kinh tế Anh sắp cải thiện đáng kể”.
Vlieghe có thể có cơ hội hiện thực hóa quan điểm của mình khi dữ liệu GDP của Anh sẽ được công bố vào 4:30 AM ET (0930GMT), cùng với dữ liệu sản lượng công nghiệp tháng 11. Lúc 9:00 AM ET (1400GMT), Viện nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh sẽ đưa ra đánh giá về GDP.
Mark Chandler, phó tổng giám đốc điều hành tại Bannokburn Global Tỷ giá, nói: “Đồng Bảng dường như đang ở giữa một bên là lực cầu của những người quản lý tài sản và những người kì vọng rằng bất ổn Brexit tăng, phía bên kia là khả năng cắt giảm lãi suất được đánh giá thấp và một Brexit không có thỏa thuận”. Ông cho rằng, trong ngắn hạn, đồng Bảng nằm trong khoảng từ 1,290USD đến 1,320USD
Những cuộc biểu tình tại Iran cuối tuần qua dường như ít có tác động đến thị trường. Thị trường hiện đã ưa rủi ro hơn do lo ngại về một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iran đã giảm cũng như lễ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc được dự kiến tổ chức trong tuần này.
Đồng Nhân dân tệ phá vỡ mốc 6,90 so với đồng Đô la Mỹ lần đầu tiên trong 5 tháng, trong khi đồng Ruble của Nga tăng lên mức cao nhất 20 tháng. Đồng Đô la Mỹ cũng giảm so với các đồng tiền của Indonesia hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà phân tích tại Nordea đã chỉ ra sự vô lý khi đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi đang tăng mạnh, do PMI toàn cầu vẫn ở mức thấp.
Các nhà phân tích Andrea Steno Larsen và Martin Enlund nói: “Đồng tiền của các nền kinh tế đang phát triển và chứng khoán đang ở mức quá đắt hoặc nếu không thì PMI sản xuất toàn cầu sắp tăng cao hơn. Đây là thời điểm phải hành động hoặc chết”. “Hiện tại, rất khó để tìm ra một yếu tố làm các thị trường này suy yếu (có thể ngoài Iran) nhưng có lẽ đó là một dấu hiệu đáng lo ngại?”