Vietstock - Năm 2025, Việt Nam sẽ có 3-5 ngân hàng lên sàn nước ngoài
Mục tiêu 7 năm tới là ít nhất 2-3 ngân hàng Việt vào Top 100 của châu Á và 3-5 đơn vị niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài.
Sáng nay (11/4), Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình hành động ngành ngân hàng, thực hiện chiến lược phát triển ngành tới năm 2025 và định hướng đến 2030.
Theo Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh, chiến lược phát triển ngành ngân hàng đã nêu rõ quan điểm của Chính phủ coi hệ thống tiền tệ, ngân hàng và hoạt động của các tổ chức tín dụng là huyết mạch của nền kinh tế, tiếp tục giữ vai trò trọng yếu trong tổng thể hệ thống tài chính.
Mục tiêu tổng quát ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được thực hiện theo hai cấp độ là hiện đại hoá Ngân hàng Nhà nước và phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng. Chương trình hành động chia làm ba giai đoạn 2018-2020, 2021-2025 và 2026-2030, gồm 7 mục tiêu và 11 nhóm nhiệm vụ.
Bên ngoài trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại 49 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh: Reuters
|
Riêng với nhóm ngân hàng thương mại, mục tiêu của ngành ngân hàng ở giai đoạn đầu tiên là cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý triệt để nợ xấu theo cơ chế phù hợp thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định hệ thống. Mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, có ít nhất 1-2 ngân hàng trong nhóm 100 ngân hàng lớn nhất châu Á (về tổng tài sản).
Về hoạt động, giai đoạn đầu tiên đặt mục tiêu tăng tỷ trọng thu nhập hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập lên 12-13%, và dần lên 16-17% vào giai đoạn sau. Ngành cũng kỳ vọng hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% (bao gồm cả nợ nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại).
Ở giai đoạn hai, mục tiêu của hệ thống là nâng cao năng lực cạnh tranh, tính minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Đến cuối năm 2025, hệ thống ngân hàng đặt mục tiêu ít nhất 2-3 ngân hàng trong Top lớn nhất châu Á và có 3-5 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài.
Tất cả ngân hàng thương mại trong giai đoạn hai sẽ phải áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn. Nhà điều hành cũng kỳ vọng sẽ thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối và các ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.
Trình bày tham luận tại hội nghị, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank (HM:CTG) cho rằng, để hoàn thành những mục tiêu này cơ quan quản lý cần xây dựng các giải pháp hỗ trợ, trong đó bài toán tăng vốn là vấn đề nan giải nhất.
Việc tăng vốn điều lệ, theo đánh giá của người đứng đầu Vietcombank, là "vô cùng cấp thiết". Để đảm bảo hoạt động theo thông lệ quốc tế, duy trì đà tăng trưởng trong giai đoạn sắp tới, việc gia tăng nền tảng vốn với các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng có vốn Nhà nước, là điều rất quan trọng. Tuy nhiên theo Chủ tịch Vietcombank, Ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính và các cơ quan liên quan đã vào cuộc nghiên cứu vấn đề này nhưng giải pháp cụ thể để thực hiện vẫn chưa thống nhất.
Bên cạnh đó, liên quan đến mục tiêu có 2-3 ngân hàng trong nhóm những nhà băng lớn nhất châu Á, Chủ tịch Vietcombank kiến nghị nên bổ sung thêm những chỉ tiêu xét duyệt khác như vốn chủ sở hữu, lợi nhuận, để đảm bảo có góc nhìn bao quát hơn. Với mục tiêu thí điểm Basel II nâng cao, ông Thành kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên đưa ra những thông tin hướng dẫn để các ngân hàng đã đáp ứng Basel II tiêu chuẩn có thể xúc tiến thực hiện.
Minh Sơn