Vietstock - Buýt đường sông tăng tốc
Đưa vào hoạt động được gần nửa năm, nhiều ý kiến đánh giá tuyến buýt đường sông đầu tiên của TP.HCM đang “ế”, hoạt động không hiệu quả nhưng bản thân chủ đầu tư lại khẳng định “thành công vượt mong đợi”.
Buýt sông tại bến tàu Linh Đông (Q.Thủ Đức).
Ảnh: Ngọc Dương
|
Chủ yếu phục vụ khách thăm quan
Có mặt tại bến Bạch Đằng (Q.1) lúc 9 giờ sáng 8.6, chúng tôi chọn chuyến tàu gần nhất đi đến bến H.Bình Chánh, khởi hành lúc 9 giờ 30. Vé được mua dễ dàng và nhanh chóng tại quầy vé, đồng giá 15.000 đồng/lượt, khứ hồi hết 30.000 đồng. Tại sảnh chờ ở bến, có khoảng gần 10 người, hầu hết đều là khách lần đầu tiên đi buýt đường sông. Cô Hoàng Bích Hạnh (ngụ Q.Thủ Đức) cho biết nhân dịp 2 cháu trai được nghỉ hè, cô chú dẫn 2 cháu đi thăm quan cho biết cảnh sông nước TP.
“Cô đi chuyến tàu 7 giờ từ bến Linh Đông (Thủ Đức), cập bến Bạch Đằng lúc 7 giờ 52. Bình thường lên TP mà đi xe buýt phải mất gần 2 tiếng, mà đâu được ngồi ung dung ngắm cảnh, sạch sẽ, mát mẻ như thế này. Muốn nhanh thì thuê xe cả đi cả về cũng phải 400.000 - 500.000 đồng, trong khi đi buýt thủy 4 người 2 lượt tổng cộng chưa đến 200.000 đồng, quá rẻ cho 1 chuyến du thuyền trên sông Sài Gòn”, cô Hạnh nói và cho biết lần sau sẽ đưa cả nhà lên TP chơi bằng buýt thủy.
9 giờ 20, nhân viên nhà ga thông báo chúng tôi ra xếp hàng soát vé để lên tàu. Đúng 9 giờ 30, tàu xuất phát. Khoang tàu rộng rãi, sạch sẽ, có máy lạnh và cả màn hình ti vi phía trước. Hai bạn gái ngồi phía trước chúng tôi tỏ ra vô cùng hào hứng, thi nhau lấy điện thoại ra để chụp hình “check - in”. Linh Anh (1 trong 2 bạn gái) cho biết em và bạn là học sinh cấp 3, nghỉ hè nên rủ nhau đi khám phá những điều chưa biết ở TP.
“Em mà biết đi thích thế này em đi lâu rồi. Nếu trường em tiện đường chắc em cũng tính đường đi buýt thủy đi học hằng ngày, vừa nhanh vừa sướng vừa độc lạ. Mỗi tội ngày nào cũng đi, hết 30.000 đồng thì cũng hơi đắt”, Linh Anh cười nói.
Chú Mạnh (1 trong 2 nhân viên lái tàu) cho biết tuy không lấp đầy nhưng gần như chuyến nào cũng có khách đi. Hai ngày cuối tuần thường rất đông do nhiều gia đình từ phía Bình Chánh, Thủ Đức tận dụng ngày nghỉ đưa cả gia đình lên trung tâm TP chơi. Ngược lại, cũng rất nhiều bố mẹ sống tại trung tâm muốn thay đổi hoạt động ngày cuối tuần cho con cái.
Nhiều du khách tỏ ra thích thú cầm điện thoại ghi lại cảnh quan dọc hai bờ sông Sài Gòn
|
Lân la hỏi thêm một vài khách bên cạnh, hầu hết mọi người đều cho biết đây là lần đầu tiên đi buýt đường sông. Đi chơi cho biết chứ hằng ngày đi làm vẫn dùng xe máy hoặc xe buýt. Thống kê phía chủ đầu tư dự án cũng cho biết 70% hành khách sử dụng buýt thủy là người dân TP muốn đi thử, 13% là khách du lịch ngoại quốc, còn lại là khách vãng lai.
Tàu đáp bến Bình Chánh đúng 10 giờ 12 theo như dự kiến. Chúng tôi khá bất ngờ khi bến đỗ tại đây cũng to, đẹp không khác gì bến Bạch Đằng. Tại bến có quán cà phê, sân chơi cho trẻ em và trạm xe buýt ngay bên cạnh. Vì là đi chơi, thử nên mọi người ngồi luôn tại bến, gọi ly nước, qua lại thăm quan trong thời gian chờ 8 phút để lên tàu quay trở lại trung tâm.
“Thành công vượt mong đợi”
Em mà biết đi thích thế này em đi lâu rồi. Nếu trường em tiện đường chắc em cũng tính đường đi buýt thủy đi học hàng ngày, vừa nhanh vừa sướng vừa độc lạ. Mỗi tội ngày nào cũng đi, hết 30.000 đồng thì cũng hơi đắt Linh Anh, nữ học sinh THPT ở TP.HCM |
Đưa vào hoạt động với mục tiêu “chia lửa” cho đường bộ, làm phong phú thêm các hình thức di chuyển của người dân TP, hỗ trợ phát triển du lịch đường sông, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng các tuyến buýt sông đang chạy lệch mục tiêu, phục vụ du lịch là chính chứ không đáp ứng được nhu cầu di chuyển thường xuyên. Nhiều người lo ngại về lâu dài, doanh nghiệp (DN) không gánh nổi chi phí, tiền vé thu về không đủ vận hành hệ thống, tuyến này sẽ “chết yểu”.
Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án là ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật, lại xác nhận thực trạng hoàn toàn trái ngược. “Thành công vượt mong đợi”, ông Toản nói. Theo ông, thống kê của công ty cho biết trung bình tỷ suất lấp đầy của tàu lên tới 70%. Đối với 1 dự án công cộng mới xuất hiện như vậy là quá thành công.
Về việc chủ yếu tàu chỉ phục vụ khách du lịch, ông Toản cho rằng đây là điều hết sức bình thường và đang đi theo đúng lộ trình. Bản chất buýt thủy cũng là một phương tiện đi lại, giống như xích lô, ô tô hay máy bay. Khách cho nhu cầu gì thì phương tiện phục vụ nhu cầu đó. Mọi nhu cầu của khách đều là chính đáng và điều phương tiện cần làm đó là đáp ứng nhu cầu của khách, bất kể là gì.
“Có bao nhiêu người dân ở TP có cơ hội được một lần chạy dọc con sông Sài Gòn, ngắm cảnh 2 bên bờ, cảm nhận 1 TP rất đẹp, rất khác? Muốn có 1 cuộc du ngoạn trên sông phải trả số tiền không nhỏ và chỉ dành cho những gia đình khá giả. Mục đích lớn nhất của buýt sông là xây dựng 1 loại hình vận tải mới, độc, đẹp, an toàn mà rẻ, để đại đa số người lao động đều được hưởng thụ”, ông Toản nói và khẳng định bản thân bất cứ 1 cái gì mới xuất hiện, người sử dụng lần đầu cũng đều mang mục đích thử cho biết, trải nghiệm, nếu thấy thuận tiện, phù hợp họ sẽ sử dụng thêm lần 2, lần 3, lâu dần hình thành thói quen, chuyển biến từ nhu cầu này sang nhu cầu khác, lúc đó mới hy vọng có khách hàng truyền thống.
Cũng theo “ông trùm buýt thủy”, bản chất của ngành đường thủy rất đẹp, mặc định tính là không gian phục vụ cho du lịch. Một số nước như Thái Lan, Hà Lan… có tỷ lệ sử dụng phương tiện đường thủy để đi lại so với đi du lịch luôn vào khoảng 30 - 70%. Hiện tỷ lệ phục vụ đi lại của các tuyến buýt thủy chưa tới 30% nhưng kể cả có phát triển hoàn thiện, tỷ lệ này cũng sẽ không khác biệt so với thế giới.
Về lo ngại khả năng hoàn vốn, ông Toản cho biết DN đang cố gắng cân đối, xem dự án đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đến giai đoạn hoàn vốn nên trước mắt chỉ quan tâm việc hoàn thiện và phát triển hệ thống, không nghĩ cách làm sao thu hồi vốn ngay lập tức. Đến khi hình thành thói quen cho người dân, để người dân hoàn toàn an tâm thì công ty mới có được khách hàng truyền thống, hướng tới phát triển bền vững và lâu dài.
Để phát huy tối đa năng lực buýt thủy, không thể chỉ dựa vào DN. TP cần có quy hoạch tổng thể, kết nối toàn bộ hệ thống vận tải công cộng từ dưới nước lên trên bờ, đảm bảo hành trình thuận tiện nhất cho người dân. KTS Ngô Viết Nam Sơn |
Hà Mai