Vietstock - Giãn thời hạn xử lý sở hữu chéo của cổ đông lớn đến 30.6.2019
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2015/TT-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn. Theo đó, NHNN vừa đề xuất sửa Thông tư 06 theo hướng giãn thời hạn giải quyết việc sở hữu chéo của cổ đông lớn đến ngày 30.6.2019.
NHNN lấy ý kiến dự thảo Thông tư bổ sung trong đó nới thời hạn xử lý tình trạng sở hữu chéo
|
NHNN cho biết, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2015/TT-NHNN hướng dẫn thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng (TCTD) và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác, tạo cơ sở pháp lý góp phần ngăn ngừa, hạn chế sở hữu chéo, minh bạch hóa nguồn vốn góp của cổ đông của TCTD và người có liên quan của cổ đông đó. Theo đó, Dự thảo Thông tư đã bổ sung thêm quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp nhóm cổ đông lớn có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn.
Cụ thể, thông tư sửa đổi quy định TCTD khác phối hợp với cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó (nhóm cổ đông lớn có liên quan) sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập kế hoạch khắc phục, đảm bảo chậm nhất ngày 30.6.2019 tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).
Sau thời hạn nêu trên, nếu vẫn không tuân thủ quy định sẽ bị xử lý. Với quy định trên của Luật Các TCTD sửa đổi, tình trạng sở hữu chéo sẽ ngày càng được siết.
Song cũng cần phải nói thêm, sau hơn 2 năm kể từ thời hạn 31.12.2015, tình trạng sở hữu chéo vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tính đến thời điểm 31.12.2017, vẫn còn 4 ngân hàng thương mại nắm giữ cổ phần của hơn 2 TCTD khác; 4 TCTD có sở hữu trên 5% cổ phần của TCTD khác.
Đánh giá về thực trạng này, theo quan điểm của các chuyên gia tài chính, sở hữu chéo là vấn đề phức tạp, khó kiểm soát với trường hợp nhờ người đứng tên hộ nên đòi hỏi cần thanh tra kỹ lưỡng. Các vi phạm về giới hạn sở hữu cũng như sở hữu chéo được xử lý một bước.
Về nguyên nhân của tình trạng xử lý sở hữu chéo còn chưa dứt điểm là do thoái vốn của cổ đông chậm bởi chưa tìm được đối tác để mua lại phần vốn đó; việc thoái vốn ngoài ngành với quy mô lớn có thể gây thiệt hại cho tổ chức, cơ quan Nhà nước; nhiều nhà đầu tư còn khó khăn về vốn nên làm chậm quá trình thoái vốn...
Bảo Chương