Vietstock - Chứng khoán châu Á “nghẹt thở” đầu phiên, chưa gì Nikkei 225 đã tụt gần 750 điểm
Thị trường chứng khoán châu Á rớt mạnh vào đầu phiên ngày thứ Năm (11/10), sau phiên giảm cực mạnh trên Phố Wall trong đêm qua, khi đà lao dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ và đà tăng của lợi suất trái phiếu nhấn chìm thị trường chứng khoán Mỹ.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 7h30 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Tính tới lúc 7h30 ngày thứ Năm (11/10 – giờ Việt Nam), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lao dốc 744.36 điểm (tương ứng 3.17%). Bên cạnh đó, chỉ số ASX 200 của Australia lùi 110.7 điểm (tương ứng 1.83%), trong đó hầu hết lĩnh vực đều nhuốm sắc đỏ. Chỉ số năng lượng sụt 2.6%, nguyên vật liệu giảm 2.24% và lĩnh vực tài chính hạ 1.47%.
Các ông lớn ngân hàng ở Australia cũng lao đao, trong đó cổ phiếu Commonwealth Bank lùi 1.06%. Nhóm cổ phiếu khai khoáng cũng giảm, trong đó cổ phiếu Rio Tinto hạ 2.16% và BHP tụt 2.76%.
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi trượt dốc 49.24 điểm (tương ứng 2.21%).
Đêm qua, chứng khoán Mỹ giảm mạnh, trong đó Dow Jones và S&P 500 ghi nhận phiên sụt giảm mạnh nhất kể từ ngày 08/02/2018, và nhóm cổ phiếu công nghệ là trung tâm của sắc đỏ khi đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản có rủi ro cao.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones sụt 831.83 điểm (tương đương 3.15%) xuống 25,598.74 điểm, chỉ số S&P 500 mất 94.66 điểm (tương đương 3.29%) còn 2,785.68 điểm vả chỉ số Nasdaq Composite lùi 315.97 điểm (tương đương 4.08%) xuống 7,422.05 điểm. Nasdaq Composite ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 24/06/2016.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ dài hạn lại tăng, nới rộng xu hướng leo cao trong vài tuần qua nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh mẽ đã củng cố kỳ vọng nâng lãi suất nhiều lần trong 12 tháng sắp tới.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, vọt 7 điểm (tương đương gần 44%) lên 22.96, vượt mốc 20 lần đầu tiên kể từ ngày 11/04/2018 và ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 02/04/2018.
Các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ tiếp tục suy giảm vào sáng ngày thứ Năm (11/09), trong đó hợp đồng tương lai Dow e-mini lùi 0.54%.
Một số chuyên viên phân tích cho rằng, đà giảm trên Phố Wall dường như không có chất xúc tác nào. Đây là tình trạng diễn ra kể từ đầu năm nay, Joseph Capurso, Chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Commonwealth Bank (Australia), viết trong báo cáo buổi sáng.
Trong ngày thứ Tư (10/10), Tổng thống Mỹ Donald Trump lại nhắm tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vì cứ nâng lãi suất bất chấp biến động thị trường gần đây.
“Tôi nghĩ Fed đang mắc một sai lầm. Họ quá chặt chẽ. Tôi cho rằng, Fed đã phát điên”, ông Trump nói với các phóng viên ở Pennsylvania.
“Đây là đợt điều chỉnh mà chúng ta đã mong chờ trong một khoảng thời gian dài”, ông Trump nói về đà giảm hơn 800 điểm của Dow Jones. “Tôi thực sự không đồng tình với những gì Fed đang làm”.
Tiền tệ và dầu
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – ở 95.369 vào lúc 8h18 giờ HK/SIN.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu suy giảm vào buổi sáng ngày thứ Năm. Tính tới lúc 8h19 giờ HK/SIN, hợp đồng dầu Brent tương lai lùi 0.83% xuống 82.4 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI tương lai hạ 0.89% xuống 72.52 USD/thùng.
Vũ Hạo (Theo CNBC)