Vietstock - Kiến tạo nền xuất khẩu thực chất Việt Nam
Xuất khẩu của năm 2017 được ngợi ca là năm đặc biệt thành công, kim ngạch lần đầu tiên vượt qua 200 tỉ đô la Mỹ (213,7 tỉ đô la Mỹ), tăng 21% - tỷ lệ tăng cao nhất từ năm 2011 đến nay, lại còn xuất siêu 2,6 tỉ đô la Mỹ.
Cần xây dựng công nghiệp nông nghiệp theo kịp cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
|
Xuất khẩu chưa thực chất
Nhưng nếu rạch ròi các số liệu trên mới vỡ lẽ xuất khẩu chưa thực chất. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu nói trên, phần của khối doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 58,5 tỉ đô la Mỹ, còn lại 155,2 tỉ đô la Mỹ là của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - vốn dĩ xuất nhiều nhưng nhập nguyên vật liệu cũng nhiều, lợi nhuận họ mang về, phần giá trị gia tăng ta nhận được chủ yếu là tiền lương công nhân ít ỏi trong khi mối nguy ô nhiễm môi trường treo lơ lửng. Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chỉ có thể nói là xuất khẩu từ Việt Nam, không thể nhập nhằng là xuất khẩu của Việt Nam. Chưa thực chất là vậy.
Mười năm trước - 2007 - Việt Nam gia nhập WTO, tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp Việt Nam chiếm 42,5% tổng xuất khẩu của Việt Nam, còn khối doanh nghiệp FDI là 57,5%. Song đến năm 2017, tỷ trọng đó của khối doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn 27,4%, khối doanh nghiệp FDI lên tới 72,6%.
Sản xuất của khối doanh nghiệp FDI ngày càng tăng, chiếm 50% tổng năng lực sản xuất công nghiệp nước ta. FDI còn có mặt trong nhiều lĩnh vực khác, nên tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI chiếm áp đảo trong xuất khẩu của Việt Nam là đương nhiên. Chỉ riêng FDI từ Hàn Quốc đã chiếm 30% và trong đó, một mình Samsung chiếm 20% với chủ bài là điện thoại lắp ráp tại Việt Nam tham gia vào chuỗi phân phối toàn cầu (kim ngạch xuất khẩu năm 2017 là 45 tỉ đô la Mỹ, bằng 93% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2007). Năm 2017 xuất khẩu tăng 21% nhưng ruột thì mất cân đối, khối doanh nghiệp FDI tăng 23% còn khối doanh nghiệp Việt Nam chỉ tăng 16,2%.
FDI là động lực chính tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Chột dạ, nếu các doanh nghiệp FDI đột ngột rút lui hoặc thu hẹp sản xuất thì không biết trông cậy vào đâu?
Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chỉ có thể nói là xuất khẩu từ Việt Nam, không thể nhập nhằng là xuất khẩu của Việt Nam. Nói xuất khẩu của ta chưa thực chất là vậy. |
Sự chênh lệch nội - ngoại còn bộc lộ ở cán cân thương mại. Trên tổng thể Việt Nam xuất siêu, song rạch ròi thì khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 28,8 tỉ đô la Mỹ, ngược lại khối doanh nghiệp Việt Nam nhập siêu 26,2 tỉ đô la Mỹ. Nhìn lại các năm trước hình thái cũng tương tự, cán cân thương mại chung của cả nước dù xuất siêu hay nhập siêu thì khối doanh nghiệp FDI luôn thẳng băng xuất siêu còn khối doanh nghiệp Việt Nam cứ chìm đắm trong nhập siêu. Hố thâm hụt thương mại của doanh nghiệp Việt Nam còn lâu mới lấp bằng, và nó là lõi của thâm hụt kinh tế quốc gia.
Gia tài công nghiệp nội địa thời kỳ quá độ xập xệ, tan rã. Cơ đồ mới chưa có. Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã 20 năm vẫn loay hoay về mặt bằng! Máy móc, thiết bị để hiện đại hóa chủ yếu vẫn phải nhập khẩu. Ba cái cơ khí giản đơn thì ủy thác cho các nhà sáng chế...nông dân chắp vá, nhặt nhạnh phụ tùng từ các máy móc cũ. Trong bối cảnh ấy, việc nước ta thu hút FDI là tất yếu, để kịp giải cơn đói vốn, khát kỹ thuật, non quản lý, eo hẹp thị trường, để có thể đủ lực bước vào kỷ nguyên hội nhập và phát triển. Nhiều nước từng và tiếp tục nhận FDI nhưng họ “tiêu hóa” được, nâng cao năng lực bản thân, thành cường quốc, cạnh tranh lại với chính chủ. Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc... là những ví dụ sinh động, song đáng tiếc với Việt Nam thì chưa thể.
Trở ngại còn nhiều
Bước vào năm mới, do kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo không cao, sẽ tác động đến xuất khẩu cả hai khối doanh nghiệp FDI và trong nước. Song khối doanh nghiệp FDI áp lực ít hơn vì còn có công ty mẹ đỡ đầu. Khó khăn nói trên sẽ dồn nhiều lên khối doanh nghiệp Việt Nam, điểm huyệt vào những thế mạnh của ta: (1) Ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, trong khi nhiều nước khác thúc đẩy sản xuất, giảm dần nhập khẩu loại hàng này. (2) Xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng, các nước nhập khẩu đặt ra ngày càng nhiều rào cản kỹ thuật, thương mại. (3) Với ta, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản đã tới ngưỡng, khoáng sản đã cạn, khó tăng trưởng cao.
Trong khi đó, về mặt nhập khẩu, do lâu nay sản xuất, đặc biệt là làm hàng xuất khẩu quá phụ thuộc vào thiết bị, vật tư, hàng hóa bên ngoài, nên khối doanh nghiệp Việt Nam chưa thể hạ nhiệt việc nhập khẩu. Nhập siêu sẽ còn nặng gánh.
Tổ chức lại làm hàng xuất khẩu
Để xuất khẩu từ Việt Nam có hàm lượng thực chất của Việt Nam nhiều hơn, trước hết, cần tổ chức lại hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu. Cần nghiên cứu, phân tích, dự báo, thông tin, cung cấp, hướng dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác những mặt hàng có lợi thế, nhiều triển vọng. Với hàng công nghiệp phải làm ra những sản phẩm chất lượng kỹ nghệ từ trung bình trở lên có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm tỷ lệ gia công, bớt phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu. Đặc biệt là cần xây dựng công nghiệp nông nghiệp theo kịp cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), không chỉ áp dụng công nghệ cứng (máy móc) mà cả công nghệ mềm, các phương thức kết nối phi truyền thống. Ứng dụng kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học vào canh nông. Cảnh báo sớm về thời tiết cho nông vụ. Thúc đẩy tích tụ ruộng đất đi đôi với hỗ trợ hệ thống sản xuất, xây dựng mô hình hợp tác xã dịch vụ kiểu mới. Xây dựng nền sản xuất nông nghiệp xanh - sạch - an toàn - bền vững.
Thứ hai là phát triển xuất khẩu, củng cố, tìm thị trường mới có thế mạnh. Chủ động nắm bắt thông tin, nhất là các vấn đề ảnh hưởng đến xuất khẩu như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán... để tìm cách thích ứng. Đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại. Gấp rút xây dượng thương hiệu, ưu tiên các sản phẩm có uy tín, kim ngạch lớn. Triển khai các thỏa thuận về hợp tác thương mại nông - lâm - thủy sản với Trung Quốc; các bản ghi nhớ về xuất khẩu gạo với các nước nhập khẩu gạo tại châu Mỹ Latinh, châu Phi, châu Á... Phối hợp với các cơ quan hữu trách của các nước nhập khẩu đẩy nhanh xem xét các quy định kiểm dịch thực vật (PRA), đạt được thỏa thuận công nhận lẫn nhau kết quả kiểm định; mở rộng diện cấp phép nhập khẩu cho một số nông, thủy sản, tích cực hành động để EU rút bỏ thẻ vàng với hải sản Việt Nam.
Thứ ba, quản lý nhập khẩu, phát hiện những mặt hàng nhập khẩu tăng đột biến, dùng cơ chế phù hợp với cam kết quốc tế để hạn chế đưa về những hàng hóa vật tư, thiết bị không thiết yếu, trong nước đã sản xuất được, nhất là đồ phế thải, thiết thực giảm nhập siêu của khối doanh nghiệp trong nước. Phát triển dịch vụ logistics để các doanh nghiệp Việt Nam tăng tỷ lệ bán CIF khi xuất khẩu và khi nhập khẩu thì mua với giá FOB để có giá có lợi nhất.
Nguyễn Duy Nghĩa