Vietstock - Chuyên gia Trung Quốc: Căng thẳng thương mại có thể kéo dài đến năm 2035
Mỹ và Trung Quốc có thể mắc kẹt trong chu kỳ “đấu tranh rồi lại trao đổi” cho đến năm 2035, theo quan điểm của một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Chính phủ Trung Quốc.
Zhang Yansheng, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CCIEE), cho biết mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ tệ hơn trước khi tốt trở lại.
Trong vài năm kế tiếp, hai bên sẽ kiểm tra ý định chiến lược của bên còn lại và dễ đưa ra đánh giá sai lầm – một điều khiến các cuộc đàm phán thương mại trở nên khó khăn, Zhang Yansheng cho hay. Trước đó, ông Zhang từng làm việc tại Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) – cơ quan hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc và hiện đang nằm trong ủy ban học thuật của NDRC.
Giai đoạn khó khăn nhất sẽ là từ năm 2021 cho tới năm 2025 và có thể có xích mích trong nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ và tài chính, ông Zhang cho biết tại cuộc họp báo trong ngày thứ Tư (22/05). Trong giai đoạn 2026-2035, Mỹ và Trung Quốc có thể chuyển hướng từ “xung đột phi lý” sang “hợp tác hợp lý”, theo ông Zhang.
Trung Quốc sử dụng hàng loạt kế hoạch 5 năm để hỗ trợ phát triển kinh tế và năm 2035 đánh dấu năm Trung Quốc lọt vào bảng xếp hạng các quốc gia đổi mới nhiều nhất trên thế giới, theo một kế hoạch chi tiết do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng trong năm 2017. Triển vọng nhanh chóng tiến tới một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đã giảm mạnh sau khi các cuộc đàm phán chững lại trước đó trong tháng này và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm tới các công ty công nghệ của Trung Quốc.
Sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán hiện nay là do Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức thực hiện các thay đổi trên diện rộng về cân bằng thương mại, cải cách cấu trúc và thay đổi luật, ông Zhang.
“Không có vấn đề nào trong số 3 vấn đề kể trên có thể được thực hiện trong ngắn hạn”, ông Zhang nói, đồng thời cho biết thêm hệ thống triển khai mà Mỹ yêu cầu là vượt khả năng của Trung Quốc và các thay đổi về luật là “một rào cản kỹ thuật quá cao”.
Mỹ đẩy mạnh một gói yêu cầu, rồi nói Trung Quốc thực hiện ngay lập tức và đe dọa sẽ áp trừng phạt nếu không thực hiện, ông Zhang nói. Về phía Trung Quốc, “điều này nghe có vẻ như trở về năm 1940. Điều đó có công bằng hay không?”, ông tự hỏi.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)