Vietstock - Tranh thủ ổn định vĩ mô để đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế
Chiều 28/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì phiên họp quý III/2018 của Hội đồng tại Trụ sở Chính phủ.
Ảnh: VGP/Quốc Thanh
|
Các thành viên Hội đồng đều đánh giá kinh tế vĩ mô trong những năm qua, đặc biệt là năm 2018 vẫn ổn định trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, thương mại trên thế giới gia tăng. Tăng trưởng GDP khá đều trong những năm qua, đặc biệt tăng trưởng GDP trong 9 tháng năm 2018 là 6,98%, mức cao nhất cùng kỳ kể từ năm 2011 trở lại đây và cao hơn mục tiêu đề ra. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao.
Công tác điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác, trong đó có chính sách tài khoá để ổn định và phát triển thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu Chính phủ, giảm chi phí vay vốn cho ngân sách Nhà nước...
Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng cho rằng công tác điều hành chính sách tiền tệ, tài chính quốc gia còn gặp nhiều thách thức do độ mở của nền kinh tế rất lớn, chịu ảnh hưởng của các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới; điều hành tỉ giá, lãi suất có nhiều yếu tố khó lường khi chiến tranh thương mại leo thang; tình hình hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân còn khó khăn...
Các thành viên Hội đồng đề nghị Chính phủ cần theo dõi sát diễn biến của các cuộc xung đột thương mại trên phạm vi toàn cầu để kịp thời có giải pháp hạn chế các tác động tiêu cực; kiên định điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thắt chặt chính sách tài khóa; tranh thủ ổn định kinh tế vĩ mô để đẩy mạnh hơn nữa cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở tăng mạnh mẽ năng suất lao động.
Hội đồng cũng cho rằng Chính phủ, NHNN tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất nhưng tiếp tục tìm kiếm cơ hội để giảm lãi suất nếu có thể; linh hoạt trong điều hành tỉ giá; cơ cấu lại thị trường xuất khẩu hàng hoá trong đó chú trọng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Về chỉ tiêu lạm phát cho năm 2019, một số ý kiến cho rằng với tình hình kinh tế- thương mại thế giới nhiều rủi ro, Chính phủ nên đặt mục tiêu lạm phát khoảng 4% thay vì dưới 4% như trước đây.
Quốc Thanh