Vietstock - Tiền thi hành án vụ Huỳnh Thị Huyền Như 9.000 tỷ đồng, chỉ thu hồi được 500 tỷ đồng
Chiều 25/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2018.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị.
|
Tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng cục thi hành án dân sự cho biết, trong năm 2017, đã thụ lý 882.630 việc, tăng 5,57% so với năm 2016. Tổng số thụ lý là hơn 172.959 tỷ đồng; tổng số phải thi hành là hơn 163.658 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là hơn 92.000 tỷ đồng; số chưa có điều kiện thi hành là hơn 71.658 tỷ đồng.
Đến nay đã thi hành xong hơn 35.242 tỷ đồng, tăng 21,12% so với năm 2016.
Tổng số phải thi hành đối với các khoản nợ của tổ chức tín dụng là 22.473 việc, với số tiền là hơn 99.311 tỷ đồng. Đến nay đã thi hành xong 4.440 việc, thu được số tiền là hơn 27.701 tỷ đồng.
Tòa án đã chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự 1.974 bản án, quyết định, trong đó có 1.614 bản án, quyết định không có nội dung phải theo dõi và 361 bản án, quyết định có nội dung theo dõi. Đến nay, đã thi hành xong 276 việc, còn 85 việc chưa thi hành xong.
Từ ngày 1/6 đã thống nhất trên toàn quốc thực hiện cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, qua đó góp phần rút ngắn thời gian thi hành án, nêu cao tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để hiện đại hóa hoạt động quản lý công tác thi hành án dân sự, Tổng cục thi hành án dân sự đang tích cực triển khai cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, an toàn, thuận lợi.
Ông Vũ Quốc Doanh, quyền Cục trưởng, Cục thi hành án dân sự TP.HCM cho biết, trong công tác thi hành án, quyền lợi của các bên luôn đối kháng, thêm đối tượng người mua tài sản cũng khiếu nại. Do vậy, công tác tiếp công dân, đối thoại luôn được đặt lên hàng đầu.
Tại TP.HCM có rất nhiều vụ đại án cần thi hành án. Ví như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, tòa án tuyên bị cáo sung công 9.000 tỷ đồng, nhưng qua thẩm tra, thẩm định, chỉ thu về cho Nhà nước 500 tỷ đồng. Bị cáo này không còn tài sản nào khác để thi hành. Vụ Phạm Công Danh, tiền thi hành án là hơn 12.000 tỷ đồng.
Chỉ riêng 2 vụ này, tiền thi hành án đã chiếm 21.000 tỷ đồng.
Ông Doanh kiến nghị với các cấp trung ương cần có sự thay đổi về quy định, thể chế, có giải pháp kịp thời để ngăn chặn, phong tỏa, kê biên tài sản có khả năng thu hồi cho nhà nước.
Ông Lê Văn Tiến, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP. Hà Nội cho biết, phần lớn lượng tiền trong án tín dụng ngân hàng, tham nhũng, rất phức tập, mất nhiều thời gian. Một chấp hành viên phải thực hiện gần 1.000 vụ việc/năm, trong khi người phải thi hành án luôn chống đối, bất hợp tác, nên rất khó khăn trong việc xác minh, đo vẽ, xác định tài sản trên đất...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, những kết quả thi hành án dân sự, thi hành án hành chính đạt được trong năm 2017 đã góp phần tích cực bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; giải phóng các nguồn lực kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số điểm cần lưu ý, như số việc, số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều, vụ việc thi hành án hành chính xong còn đạt tỷ lệ thấp (76,45%)… Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế còn một số trường hợp chưa chính xác, đầy đủ dẫn đến phát sinh khiếu nại phức tạp, kéo dài. Còn số lượng khá lớn tài sản chưa bán đấu giá thành hoặc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được.
Đỗ Mến