Vietstock - Châu Á sẽ trở thành khu vực giàu có nhất thế giới vào năm 2019?
Các trung tâm tài chính châu Á là Singapore và Hồng Kông sẽ thu hút nhiều tài sản từ trong và ngoài khu vực trong vài năm kế tiếp, qua đó thúc đẩy châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực giàu có nhất trên thế giới vào năm 2019, một nghiên cứu của Boston Consulting Group (BCG) cho thấy.
Báo cáo từ BCG được công bố trong ngày thứ Ba cho thấy khu vực châu Á -Thái Bình Dương đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh thứ 2 trên thế giới về tổng tài sản trong năm 2016, chỉ sau Bắc Mỹ. Lượng tài sản tư nhân ở châu Á -Thái Bình Dương, bao gồm cả Nhật Bản, được dự báo vượt mặt Bắc Mỹ vào năm 2019 và chạm mức 77.8 ngàn tỷ USD vào năm 2021.
“Ở châu Á -Thái Bình Dương – khu vực vốn nổi bật với tốc dộ tăng trưởng GDP mạnh, động lực tăng trưởng chính sẽ là các khoản tiết kiệm mới”, BCG cho biết trong báo cáo. Ngoài ra, tổ chức này còn nói thêm Trung Quốc là nguồn tài sản nước ngoài lớn nhất ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương, BCG cho biết.
BCG đo lường tài sản tư nhân là các khoản nắm giữ của hộ gia đình như bảo hiểm nhân thọ, hưu trí và các tài sản như cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt.
Trong vài năm tới, các trung tâm tài chính châu Á là Singapore và Hồng Kông được dự báo sẽ thu hút tiền từ nước ngoài nhiều hơn so với các quốc gia châu Âu như Thụy Sỹ.
Các tài sản nước ngoài ở Singapore và Hồng Kông sẽ có mức tăng trưởng hàng năm ở mức 8% và 7% cho tới năm 2021, nhanh hơn cả dự báo tăng trưởng của Thụy Sỹ là 3%.
Dẫu vậy, trong năm 2016, Thụy Sỹ vẫn giữ được vị trí trung tâm quản lý tài sản nước ngoài hàng đầu thế giới với tổng lượng tài sản trị giá 2.4 ngàn tỷ USD, cao hơn mức 1.2 ngàn tỷ của Singapore và mức 0.8 ngàn tỷ USD của Hồng Kông.
“Hồng Kông và Singapore vẫn là các trung tâm tài chính nước ngoài có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu, vì đây là những lựa chọn ưa thích của các khách hàng khu vực và châu Á -Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh”, báo cáo cho thấy.
Ngoài ra, báo cáo còn nói rõ: “Sự mở rộng được kỳ vọng tiếp tục trong dài hạn, nhưng các giới hạn hiện tại về dòng vốn ra khỏi nước của Trung Quốc có thể làm chậm lại tiến trình mở rộng trong ngắn hạn”.