Vietstock - Thị trường nay đã khác, mức giá nào xứng đáng cho HDBank?
Nếu như năm 2017 VietJet “mở hàng” cho HOSE và thị trường đã có một năm bứt phá ngoạn mục, thì HDBank chào sân 2018, mở màn cho làn sóng niêm yết ngân hàng năm mới với vốn hóa tỷ USD được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội và tăng trưởng giá trị cho thị trường và các nhà đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT thường trực HDBank
|
“HDBank là ngân hàng đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong năm 2018, cũng là doanh nghiệp lớn đầu tiên lên sàn mang tính chất là mở hàng cho thị trường. Với vị thế này, chúng ta đặt cho mình trách nhiệm mang đến một khởi đầu tốt đẹp và may mắn cho toàn thị trường năm 2018”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT thường trực HDBank đã chia sẻ như vậy trong chiều ngày 03/01 tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu HDBank ngay trước thềm lên sàn.
Cũng trên vai trò là CEO VietJet Air (VJC), bà Thảo kể lại rằng, cách đây vài ngày có nhận được thông tin từ một vị lãnh đạo Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, đầu năm 2017 VietJet đã mở hàng cho HOSE và đã có một năm bứt phá ngoạn mục. Hy vọng năm 2018, đến lượt HDBank chào sân trên HOSE cũng sẽ mang lại những cơ hội và tăng trưởng giá trị cho thị trường và các nhà đầu tư.
Được biết, theo như kế hoạch, gần 981 triệu cổ phiếu HDB của HDBank sẽ chính thức đổ bộ lên HOSE vào đầu năm 2018 (ngày 05/01) với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 33,000 đồng/cp, biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là 20%.
Với mức giá tham chiếu này, giá trị vốn hóa trong ngày giao dịch đầu tiên của HDBank ước đạt gần 32,400 tỷ đồng, tương đương khoảng 1.43 tỷ USD, và đứng trong top 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất HOSE. Đây cũng là mức giá khá cao so với mặt bằng chung các cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết và hiện chỉ xếp sau Vietcombank (VCB), VPBank (VPB) hay ACB. Với giá này, HDBank có đủ hấp dẫn nhà đầu tư?
Giá chào sàn của HDBank vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng
Theo bản cáo bạch niêm yết, giá tham chiếu của cổ phần HDBank được tính toán theo hai phương pháp dựa trên giá của đợt chào bán cổ phần gần nhất và so sánh giá cổ phần trên giá trị sổ sách mỗi cổ phần (P/B).
Cụ thể, gần đây nhất trong tháng 12/2017, HDBank đã hoàn tất việc phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư tại mức giá 32,000 đồng/cp, tăng vốn điều lệ lên 9,810 tỷ đồng. Đây được xem như là một trong những mức giá tham khảo của HDBank ngay trước thời điểm Ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên HOSE.
Còn phương pháp so sánh P/B được tính toán dựa trên việc so sánh hệ số P/B bình quân (P/B bq) của các ngân hàng có quy mô hoạt động tương tự với HDBank hiện đang niêm yết trên HOSE và HNX. Theo phương pháp so sánh P/B, HDBank được định giá từ 33,175-39,684 đồng/cp.
Tuy nhiên, chia sẻ tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư, ông Johan Nyvene - Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC, HOSE: HCM) cho rằng cổ phiếu HDBank vẫn còn nhiều tiềm năng tăng giá. Theo ông, định giá cổ phiếu phải dựa vào nội lực, tiềm năng của doanh nghiệp; trong giai đoạn cả hệ thống ngân hàng bị khủng hoảng, HDBank vẫn duy trì được mức tăng trưởng lợi nhuận 40%, điều này cho thấy tiềm năng nội tại của Ngân hàng vẫn còn nhiều.
Ông Johan Nyvene - Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán TP.HCM
|
Trên góc độ là một người quản lý chứ không phải đơn vị phân tích định giá, ông Johan Nyvene nhận định HDBank hiện nay đã được kỳ vọng mang lại nhiều giá trị hơn so với định giá ban đầu của thời điểm cách đây gần 3 tháng.
Thứ nhất, thị trường đã khác đi. Thời điểm định giá HDBank là vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2017, khi đó con số 33,000 đồng/cp cho giá tham chiếu là “fair value”- một mức giá công bằng trên thị trường dựa trên sự so sánh với các ngân hàng khác. Nhưng ở thời điểm đó, VN-Index đang nằm trong khoảng 800 điểm và đến thời điểm này, VN-Index đã tăng trưởng 25% - thời điểm cơ hội của thị trường chứng khoán Việt Nam. Vì vậy, nếu định giá lại HDBank thì có thể cân nhắc yếu tố này.
Thứ hai, cầu trong thị trường từ các nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu HDBank còn rất lớn. Ông Johan Nyvene cho biết mức giá chào bán 32,000 đồng/cp của HDBank với các nhà đầu tư nước ngoài trong đợt IPO vừa qua là mức trung bình chứ không phải là giá cao nhất. Đồng thời HDBank cũng rất “hút hàng” với giá trị bán ra khoảng 300 triệu USD nhưng cầu của thị trường lên đến 1 tỷ USD. Sau khi niêm yết, room ngoại của Ngân hàng vẫn còn mở ở mức 8.5%, và nhiều khả năng các nhà đầu tư ngoại sẽ tiếp tục mua vào.
* Lợi nhuận 2017 gấp đôi năm trước, HDBank tạo cú hích trước niêm yết với kế hoạch chia cổ tức 25-30%
Phạm Thu