Vietstock - Tranh cãi chuyện thu thuế trà, cà phê uống liền như với rượu
Thu thuế trà, cà phê uống liền theo Bộ Tài chính là vì đây là những mặt hàng gây béo phì, trong khi đó giới chuyên gia cho rằng mục đích thực sự là để tăng thu.
Người dân mua cà phê giảm giá tại một siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: Quang Định
|
Trong bản góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều bộ ngành tiếp tục phản đối việc đánh thuế với các mặt hàng trà, cà phê uống liền... vì cho rằng những mặt hàng này không gây béo phì như lý do mà Bộ Tài chính vận dụng để đánh thuế nhằm... định hướng tiêu dùng.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho rằng việc đưa trà, cà phê uống liền vào nhóm mặt hàng đồ uống sẽ bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là vô lý.
Lý do là muốn đánh thuế mặt hàng nào, cần phải xác định rõ mức độ hàm lượng đường là bao nhiêu để áp thuế TTĐB cho phù hợp.
Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, chưa có nghiên cứu nào đề cập đến sự lạm dụng trà, cà phê uống liền dẫn đến thừa cân, béo phì đưa đến tăng rủi ro bị các bệnh về tim mạch và tiểu đường ở VN, nhất là ở trẻ em - đối tượng vốn ít tiêu thụ sản phẩm này.
Trong khi đó, chủ trương chính sách chung hiện nay đều khuyến khích ngành công nghiệp chế biến nông sản để giúp nâng cao giá trị gia tăng và tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) cũng đề nghị chưa đánh thuế đối với nước ngọt cho đến khi có nghiên cứu đầy đủ hơn về tình trạng béo phì và hiệu quả của chính sách thuế đối với việc giảm béo phì tại VN.
Trường hợp có nghiên cứu và kết luận rằng đánh thuế có tác dụng hiệu quả để hạn chế béo phì, cũng chỉ nên đánh thuế đối với nước ngọt có hàm lượng đường cao, vượt quá ngưỡng nhất định.
Phương pháp này vừa tránh đánh thuế đối với một số sản phẩm có hàm lượng đường tự nhiên mà nhà sản xuất không thể tách ra được, vừa đúng với mục đích đánh thuế vì hàm lượng đường thấp sẽ không thể là nguyên nhân gây béo phì.
Giảm béo phì hay tăng thu?
Dù nhận được phản ứng mạnh mẽ của dư luận nhưng trong dự thảo mới nhất, Bộ Tài chính vẫn đề xuất nhóm các mặt hàng cà phê và trà uống liền vào mặt hàng đồ uống có đường sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Mức thuế áp dụng từ năm 2019 là 10% hoặc 20% nhằm góp phần định hướng tiêu dùng. Và khi tăng thuế, ngân sách sẽ tăng khoảng 5.005 tỉ đồng. |
L.Thanh