Vietstock - Những nỗi lo của đại biểu Quốc hội khi Việt Nam vào CPTPP
Chính phủ mới đưa một vài số liệu tăng trưởng tiềm năng nhưng chưa đánh giá đủ cơ hội, thách thức với nền kinh tế.
Tại phiên thảo luận ngày 5/11, bà Lê Thu Hà – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh cách mạng 4.0, cấu trúc và cách thức về chuỗi sản xuất sẽ thay đổi căn bản khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo đó, sản xuất lắp ráp ngày càng bị co hẹp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Sản xuất đầu tư cũng sẽ tập trung ở những nước có thị trường lớn, công nghệ cao... Cùng đó, xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ chịu tác động lớn khi các nước phát triển giảm dần vai trò trong thương mại quốc tế.
"Phương thức công nghiệp hóa lấy xuất khẩu và thu hút FDI là động lực có còn phát huy hiệu quả trong bối cảnh thương mại công nghiệp 4.0 nữa không? Thực tế, nếu dựa trên xuất khẩu và FDI thì chúng ta đang xây nhà trên móng của người khác", bà Lê Thu Hà nói.
Lúc này, cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, theo bà Hà, mới là "lợi ích lâu dài Việt Nam có được từ CPTPP".
Bà Lê Thu Hà - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội. Ảnh: Q.H
|
Còn ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói, những thời cơ Chính phủ chỉ ra mới chỉ là cơ hội. Cũng bởi kỳ vọng nhiều từ những cơ hội này, nên ông cho rằng, không thể không lo lắng. Theo ông, các cơ hội này khó trở thành hiện thực khi bài học thực hiện 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa qua nhãn tiền.
“Các FTAs từng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng phần lợi ích thực sự còn khiêm tốn. Riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình chúng ta mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40% (và chủ yếu thuộc về các FDI). Hơn 60% còn lại, vì nhiều lý do khác nhau, đã tuột khỏi tay doanh nghiệp Việt”, ông Lộc dẫn chứng.
Phân tích cụ thể hơn những yêu cầu CPTPP đặt ra với hàng hoá, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, ông Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân quan ngại quy tắc xuất xứ hàng hoá nêu tại hiệp định này.
Chẳng hạn, dệt may lâu nay vốn được coi là hàng có lợi thế, nhưng phần lớn nguyên liệu sản xuất ngành này lại không nằm trong số các nước được CPTPP chấp nhận về nguồn gốc xuất xứ, nên khả năng nhiều sản phẩm dệt may không thoả mãn điều kiện của hiệp định.
Ông Cường cho rằng, các doanh nghiệp lĩnh vực này cần sớm có lộ trình chuyển đổi sang tự chủ nguồn nguyên liệu trong nước hoặc nhập từ các nước được công nhận để đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.
"Làm tốt việc này sẽ thu hút nhà đầu tư sản xuất chuỗi nguyên liệu trong nước và Việt Nam sẽ không dừng lại ở nền sản xuất sản phẩm gia công như hiện nay, và là cơ hội sản phẩm Việt Nam tiếp cận từ khâu đầu tới khâu cuối của chuỗi phân phối sản xuất sản phẩm", ông nói.
Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân lưu ý, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, nhiều nhà đầu tư có thể rời bỏ thị trường Trung Quốc, chuyển sản xuất sang nước thứ 3 như Việt Nam để né thuế. Vì thế, đáp ứng nguyên tắc xuất xứ sản phẩm của hàng Việt còn là cơ hội để Việt Nam thành trung tâm phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trong khu vực. Ngược lại, nếu không làm tốt sẽ khiến hàng hoá nguyên liệu các nước không rõ nguồn gốc tuồn vào, làm chết đi sản xuất trong nước hoặc nặng nề, hơn Việt Nam có thể rơi vào trạng thái vi phạm cam kết của CPTPP.
Từ đó, ông Cường cho rằng, việc quan trọng là phải phải xây dựng được các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý để hiện thực hoá những cơ hội mở ra từ CTPPP.
Còn ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng và triển khai Chương trình hành động, bảo đảm thực thi hiệp định có hiệu quả. Chương trình này phải gồm 3 việc, một là rà soát và xây dựng tất cả các phương án có thể để thực thi một cách chủ động các cam kết và phải tổ chức đánh giá tác động, tham vấn các đối tượng liên quan, để nhận diện và cân đong đo đếm các tác động, cân nhắc cả những gì được - mất nếu vi phạm cam kết.
Hai là phải tính tới các phương án thực thi theo từng giai đoạn, để vừa với sức vươn lên của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ các cam kết.
Cuối cùng, Chính phủ cũng cần phải nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng như nhóm dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn...
“Nếu chúng ta không có ngay kế hoạch, khi nguồn thu thiếu hụt, Quốc hội và Chính phủ sẽ phải hành xử ra sao? Liệu có phải dùng đến các biện pháp tăng thuế, tăng phí, tận thu... khiến doanh nghiệp và người dân bức xúc. Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi hiệp định này sẽ là một thất bại”, ông Lộc nêu vấn đề.
Chủ tịch VCCI nói thêm, nỗ lực xuyên suốt, quyết định thành bại của cuộc hội nhập đỉnh cao này, suy cho cùng, chính là đẩy nhanh cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Cải cách cần phải được gia tốc. Cải cách cần kiên quyết hơn để khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm; kiên trì gỡ bỏ từng giấy phép con, từng thủ tục hành chính đang còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp... để không chỉ tiếp tục cởi trói mà còn tiếp sức cho công cuộc khởi nghiệp của toàn dân”, ông nói.
Giải trình thêm trước Quốc hội, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong quá trình đàm phán CPTPP, Chính phủ và các bộ, ngành đã tổ chức lấy ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng để đánh giá đầy đủ, toàn diện những thời cơ, thách thức. Cách đây vài ngày, Chính phủ cũng đã có báo cáo đánh giá tác động bổ sung về hiệp định này. "Các lợi ích cốt lõi của Việt Nam sẽ được đảm bảo", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Nguyễn Hoài