Vietstock - Lãi suất cho vay đã đi lên như thế nào?
Không như lãi suất huy động, lãi suất cho vay thường được các ngân hàng ít khi công bố rộng rãi. Điều này khiến việc theo dõi và đánh giá mặt bằng lãi suất cho vay gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, với việc lãi suất huy động đã đi lên trong thời gian qua, thì lãi suất cho vay khó lòng mà đứng yên.
Khó theo dõi lãi suất cho vay
Thời gian qua, khung lãi suất tiền gửi của nhiều ngân hàng liên tiếp được điều chỉnh tăng lên, trong bối cảnh các yếu tố gây áp lực lên lãi suất xuất hiện ngày càng nhiều, từ lạm phát, tỷ giá cho đến thanh khoản của hệ thống giảm mức độ dồi dào sau những đợt hút tiền đồng về của nhà điều hành thông qua kênh mua ngoại tệ.
Đáng lưu ý là sự điều chỉnh không chỉ đến từ nhóm ngân hàng nhỏ, quy mô trung bình, mà ngay cả các ngân hàng lớn thuộc nhóm NHTM Nhà nước cũng bắt đầu tham gia. Điều này đã đẩy lãi suất huy động lên một mặt bằng mới và khiến nhiều người lo ngại lãi suất cho vay sẽ dâng lên theo.
Tuy nhiên, nếu như việc theo dõi lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng dễ dàng bao nhiêu nhờ vào các ngân hàng luôn định kỳ công bố khung lãi suất huy động vốn lên trang chủ điện tử của ngân hàng hoặc nhanh chóng cập nhật mỗi khi thay đổi, thì việc theo dõi và đánh giá, phân tích lãi suất cho vay gặp không ít khó khăn do việc tiếp cận thông tin lãi suất vay còn nhiều hạn chế.
Nhiều ngân hàng vẫn thường xuyên công bố các chương trình cho vay, lãi suất ưu đãi cụ thể, rõ ràng tuy nhiên thực tế các mức lãi suất ưu đãi này chỉ mang tính tham khảo, tồn tại trong thời gian ngắn theo thời hạn ưu đãi, thời hạn của gói vay, chứ không nói lên được mặt bằng lãi suất cho vay của từng ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung.
Mặc dù NHNN thời gian qua cũng đã liên tiếp có các chính sách, quy định yêu cầu các ngân hàng phải niêm yết khung lãi suất cho vay công khai, minh bạch trên trang mạng điện tử, truyền thông rõ ràng đến khách hàng, tuy nhiên cho đến thời điểm này việc cung cấp, cập nhật trên website của các ngân hàng là khá hạn chế. Nếu có cũng chỉ ở mức thông tin chung chung, trong khi khung lãi suất cho vay của các ngân hàng thực tế phức tạp hơn nhiều so với khung lãi suất tiền gửi, từ quy định áp dụng theo kỳ hạn, theo sản phẩm, theo loại khách hàng, tính chất rủi ro cũng như theo loại tài sản đảm bảo.
Tham khảo lãi suất cơ sở
Chính vì việc thống kê, tiếp cận lãi suất cho vay khó khăn như thế, nên việc đánh giá mặt bằng lãi suất cho vay diễn biến như thế nào thường có tính chậm trễ, và chủ yếu quan sát mặt bằng lãi suất huy động để dự báo cho lãi suất cho vay. Dù vậy, một giải pháp khác để đánh giá diễn biến lãi suất cho vay tại các ngân hàng có thể căn cứ vào lãi suất cơ sở tham chiếu, mà thường được các ngân hàng cập nhật khá đều đặn và công khai trên trang web, để khách hàng tham khảo và cũng là cách mà ngân hàng truyền thông sớm cơ sở điều chỉnh lãi suất cho vay đến những khách hàng đang vay vốn tại ngân hàng.
Về cơ bản, lãi suất cơ sở là mức lãi suất tham chiếu cộng thêm một biên độ theo quy định (tùy theo sản phầm, kỳ hạn vay,..) để xác định lãi suất cho vay dành cho khách hàng. Vì vậy, khi lãi suất cơ sở tăng lên thì lãi suất cho vay có xu hướng tăng theo, do đó việc quan sát lãi suất cơ sở để đánh giá lãi suất cho vay là có cơ sở.
Cần biết rằng lãi suất cơ sở được tính toán dựa trên các thông số đầu vào như chi phí vốn bình quân (chủ yếu biến động theo khung lãi suất huy động vốn và cơ cấu vốn của ngân hàng), kế đến là các yếu tố như rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản của ngân hàng. Vì vậy, những ngân hàng nào có chi phí vốn bình quân càng thấp, thì lãi suất cơ sở cũng có xu hướng thấp hơn so với mặt bằng chung trên thị trường, từ đó lãi suất cho cũng thấp hơn.
Để đánh giá diễn biến lãi suất cho vay tại các ngân hàng có thể căn cứ vào lãi suất cơ sở tham chiếu, mà thường được các ngân hàng cập nhật khá đều đặn và công khai trên trang web, để khách hàng tham khảo và cũng là cách mà ngân hàng truyền thông sớm cơ sở điều chỉnh lãi suất cho vay đến những khách hàng đang vay vốn tại ngân hàng. |
Cũng đã đi lên gần đây
Tuy nhiên, đáng lưu ý là thời điểm hiện nay khá nhiều ngân hàng áp dụng lãi suất cơ sở chính là lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở kỳ hạn 12 tháng hoặc 13 tháng. Chính vì vậy mà trong thời gian qua, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hoặc 13 tháng áp dụng tại nhiều ngân hàng được đẩy lên mức khá cáo so với khung lãi suất tiền gửi chung, thậm chí cao hơn nhiều so với các kỳ hạn dài hơi hơn như 18, 24 hay 36 tháng.
Cụ thể, nhiều ngân hàng áp dụng lãi suất ở mức cao từ 7.5 – 8.5%, tuy nhiên một số chỉ áp dụng đối với các khoản tiền gửi có giá trị lớn, thường từ 100 tỷ đồng trở lên. Do đó, thực tế có rất ít khách hàng gửi tiền được hưởng mức lãi suất cao như vậy. Rõ ràng các ngân hàng có cơ sở và động lực để hạn chế sự suy giảm của biên độ lãi suất trước xu hướng đi lên của lãi suất tiền gửi, mà có thể ảnh hưởng đến các hệ số sinh lời cũng như kế hoạch lợi nhuận.
Quay lại với câu chuyện mặt bằng lãi suất cho vay, quan sát cho thấy lãi suất cơ sở của nhiều ngân hàng đã liên tiếp được điều chỉnh tăng lên trong 2 tháng gần đây. Như tại Sacombank, lãi suất cơ sở cũng chính là lãi suất tiền gửi tiết kiệm 13 tháng đã được điều chỉnh trong tháng 8 tăng thêm 0.2% so với tháng trước, lên 7.8%. Diễn biến tương tự cũng xảy ra ở ngân hàng Bắc Á khi tăng thêm 0.15%, lên 8%.
Hay như tại Seabank, lãi suất cơ sở vốn áp theo tiền gửi tiết kiệm 14 tháng cũng tăng từ 8.1% lên 8.2%. Một ngân hàng TMNN là Vietinbank cũng tăng lãi suất cơ sở, vốn tham chiếu theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm 36 tháng, cũng tăng thêm 0.1%, lên 6.9%. Hay trước đó trong tháng 7, VPBank cũng đã tăng lãi suất cơ sở thêm 0.2%, lên 7.4%.
Trước áp lực lãi suất đi lên như trên đe dọa đến ổn định vĩ mô và làm hạn chế tăng trưởng kinh tế, vì vậy trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.
Phan Thụy