Vietstock - PNC: Lãnh đạo thoái hàng loạt - chốt lời hay buông tay cho cổ đông lớn?
Song song với những Đại hội liên tục bất thành vì cuộc chiến không có hồi kết giữa Ban lãnh đạo và cổ đông lớn, cổ phiếu PNC vài tháng gần đây bỗng dưng tạo đà leo dốc tăng 139% và “nước cờ” mới nhất của Ban lãnh đạo là bất ngờ đồng loạt bán toàn bộ cổ phần đang nắm giữ. Hành động này là chốt lời trước sự “quyến rũ” của sắc tím giá cổ phiếu hay buông bỏ trước một cuộc chiến không lối thoát?
Cuộc tháo chạy 17% cổ phần trên đà leo dốc
Cổ phiếu của CTCP Văn Hóa Phương Nam từ đầu năm đến nay thường xuyên giao dịch quanh vùng giá 15,000 đồng/cp nhưng đến khoảng cuối tháng 7, cổ phiếu này đã lao dốc không phanh và chạm đáy của năm tại mức 9,000 đồng/cp. Trước những diễn biến không mấy thuận lợi trong việc tổ chức ĐHĐCĐ, cứ ngỡ PNC sẽ không thể vực dậy nhưng ngay sau đó là những phiên giao dịch tím sàn thổi giá PNC tăng khoảng 140% lên chạm đỉnh 23,000 đồng/cp (phiên 25/09).
Diễn biến giá PNC từ đầu năm 2017 đến nay
|
Tuy sau đó giá cổ phiếu có sụt giảm nhưng vài phiên gần đây sắc tím lại len lỏi tại PNC và hiện giao dịch tại 21,500 đồng/cp. Cũng phải nói thêm, khối lượng giao dịch tạo đà tăng cho cổ phiếu đến nay vẫn chỉ vài trăm cổ phiếu, thậm chí nhiều phiên không có giao dịch.
Trước đà tăng bất thường của cổ phiếu, vào ngày 18/10, có 7 cá nhân thuộc Ban lãnh đạo tại PNC cùng người thân bất ngờ công bố thông tin thoái toàn bộ lượng cổ phần nắm giữ.
Trong đó, hai cổ đông lớn nắm giữ hơn 5% vốn là Chủ tịch HĐQT Phan Thị Lệ và Thành viên HĐQT Lê Lam Viên. Cụ thể, bà Phan Thị Lệ đăng ký bán toàn bộ 605,251 cp (tỷ lệ 5.6% vốn), còn ông Lê Lam Viên cũng đăng ký bán hết 619,141 cp (5.73% vốn).
Các cá nhân khác trong Ban lãnh đạo và Ban kiểm soát là Võ Ngọc Thành, Trần Thị Mai, Nguyễn Ngọc Bích, Cao Danh Hà, Huỳnh Kim Đảnh và vợ ông Lê Lam Viên là bà Trần Thị Phương Dung cũng muốn bán hết cổ phiếu PNC.
Danh sách các lãnh đạo đăng ký thoái vốn
|
Tổng cổ phần các cá nhân này thoái gần 17% vốn, tương đương hơn 1.8 triệu cp, thời gian giao dịch đều dự kiến từ 20/10 đến 14/11 và cùng một mục đích là giải quyết công việc riêng.
Song song đó là thông tin PNC hoãn ĐHĐCĐ bất thường lần 3 dự kiến diễn ra vào ngày 17/10 và dời đến ngày 26/10/2017.
Rơi vào bế tắc và những hệ lụy
* PNC: Triệu tập ĐHĐCĐ đến bao giờ?
* ĐHĐCĐ bất thường lần 3 của PNC: Cuộc chiến chưa có dấu hiệu kết thúc
* ĐHĐCĐ bất thường PNC: Không lối thoát?
* ĐHĐCĐ bất thường PNC: Lại bất thành!
Liên tục triệu tập Đại hội nhưng hiếm khi PNC có được cái kết đẹp. Tính từ lần tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần đầu vào ngày 10/02 thì đến nay, nhiều nội dung và vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ chưa một lần được thông qua như báo cáo tổng kết 2016 và kế hoạch năm 2017 của Ban điều hành, Ban Kiểm soát; báo cáo kiểm toán độc lập 2016; tờ trình chọn đơn vị kiểm toán 2017; thù lao HĐQT và BKS.
Hệ lụy là PNC không thể thực hiện công bố thông tin theo đúng yêu cầu của Sở GDCK TPHCM (HOSE) vì tờ trình chọn đơn vị kiểm toán 2017 còn “bơ vơ” dẫn đến công tác soát xét báo cáo tài chính bị ách tắc. Do đó PNC không thể công bố báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất soát xét bán niên năm 2017 cũng là điều tất yếu.
Trong công văn của HOSE ngày 29/09, PNC đã bị nhắc nhở lần 2 và đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt do thường xuyên vi phạm công bố thông tin, nếu tiếp tục vi phạm khả năng sẽ bị xem xét hủy niêm yết.
Thậm chí có những lần Đại hội còn phát sinh vấn đề dân sự đến Tòa án nhân dân Quận 11 về yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết ĐHĐCĐ số 01/NQ-ĐHĐCĐ-2017 theo đơn yêu cầu của phía cổ đông lớn. Được biết, Nghị quyết được lập từ ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 lần 1 với nội dung chủ yếu là bầu thành viên HĐQT và thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021.
Về vấn đề nhân sự tại Đại hội, sau khi Nghị quyết trên không còn hiệu lực vì Tòa án Nhân dân Quận 11 chấp thuận hủy bỏ, PNC đã liên tục cố gắng bầu bổ sung Thành viên HĐQT. Tuy nhiên, đến nay chỉ bầu được một cá nhân duy nhất tại ĐHĐCĐ bất thường lần 3 diễn ra ngày 21/07/2017 và Ban lãnh đạo cũng cho biết sẽ tiếp tục tổ chức ĐHĐCĐ bất thường trong thời gian sớm nhất để thông qua các nội dung còn bỏ ngỏ và bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 còn thiếu.
Nguyên nhân của câu chuyện không hồi kết này là vì lượng cổ phần biểu quyết không thông qua tại những lần họp Đại hội luôn cao hơn với hơn 60%. Mà chủ yếu là từ hai cổ đông lớn nhất CTCP Phát triển Kinh doanh Trường Phát (Trường Phát) và CTCP Phát triển Kinh doanh Thành Vinh (Thành Vinh) với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 24.8% và 23.3%. Chính điều này, Ban lãnh đạo dù cố gắng liên tục triệu tập Đại hội nhưng vẫn không thể tháo gỡ được nút thắt.
Liên tục bế tắc, động thái bán toàn bộ lượng cổ phần nắm giữ của Ban lãnh đạo PNC khiến không ít nhà đầu tư nghi ngại về khả năng chính thức “phất cờ trắng” buông tay cho hai cổ đông lớn!
Trí Nhiên