Vietstock - Chứng khoán châu Á bớt giảm
Chứng khoán châu Á phần lớn đều nhuốm sắc đỏ trong phiên chiều ngày thứ Năm (30/05) khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.
Tính tới lúc 14h25 ngày thứ Năm (30/05 – giờ Việt Nam), trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 60.84 điểm (tương đương 0.29%) vào phiên chiều, khi cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số chung là Fast Retailing và Softbank Group giảm hơn 1%. Chỉ số Topix lùi gần 0.6%.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục đã xóa bớt đà giảm, trong đó chỉ số Shanghai Composite hạ 8.89 điểm (tương đương 0.31%).
Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 94.08 điểm (tương đương 0.35%),
Chỉ số ASX 200 của Australia hạ 47.9 điểm (tương đương 0.74%) khi hầu hết lĩnh vực đều giảm.
Đi ngược với xu hướng chung của thị trường là chỉ số Kospi của Hàn Quốc với mức tăng 15.48 điểm (tương đương 0.77%), trong đó cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong ngành là Samsung Electronics và SK Hynix đều tăng giá.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 14h25 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Chỉ số MSCI khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) tăng nhẹ lên 497.36 vào lúc 12h14 giờ HK/SIN.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục chìm trong sắc đỏ vào ngày thứ Tư (29/05), khi lợi suất trái phiếu lại giảm, làm tăng lo ngại về triển vọng kinh tế. Sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng gây sức ép lên thị trường, CNBC đưa tin.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones sụt 221.36 điểm xuống 25,126.41 điểm, chỉ số S&P 500 lùi 0.7% xuống 2,783.02 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 0.8% còn 7,547.31 điểm. Dow Jones tích tắc “bốc hơi” hơn 400 điểm khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức thấp nhất trong phiên.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2017 trước khi phục hồi về mức 2.26%. Một phần đường cong lợi suất đã bị đảo ngược khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 3 năm dao động ở mức 2.36%, cao hơn so với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Sự đảo ngược đường cong lợi suất được nhà đầu tư xem như một dấu hiệu cho thấy sự suy thoái đang ở phía trước.
S&P 500 rớt ngưỡng 2,800 điểm, một mốc kỹ thuận quan trọng được nhà đầu tư theo dõi. Các chỉ số chứng khoán cũng đang dao động tại mức thấp nhất kể từ cuối tháng 3/2019.
Washington và Bắc Kinh đã áp thuế trị giá hàng tỷ USD đối vói hàng hóa của nhau từ đầu năm 2018, làm chao đảo các thị trường tài chính và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh doanh và tâm lý người tiêu dùng. Cho tới nay, Mỹ đã áp thêm thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã áp thêm thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Trong động thái mới nhất, Trung Quốc đã đưa ra đe dọa trong tuần này thông qua các kênh phương tiện truyền thông quốc gia liên quan đến khoáng sản đất hiếm, một thị trường quyết định đối với ngành công nghệ và công nghiệp quốc phòng của Mỹ.
Ông Benedict cũng chỉ ra rằng đà sụt giảm của thị trường đã ổn định và không có nhiều biến động lớn.
“Tôi nghĩ cả hai bên… quên rằng Huawei lấy nguồn cung từ các công ty Mỹ và ngược lại”, Vishnu Varathan, Trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược tại Mizuho Bank, cho hay trên chương trình “Squawk Box” trong ngày thứ Năm (30/05). “Tác động kinh tế lên những công ty quốc doanh đang phụ thuộc vào chiến lược lớn hơn và chiến lược quốc gia, tôi nghĩ thế”.
Thị trường tiền tệ
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 98.120 sau khi chạm mức đỉnh trước đó là 98.148.
Đồng JPY được giao dịch ở mức 109.59 đổi 1 USD sau khi dao động ở mức 109.2 đổi 1 USD trong phiên trước, đồng AUD được “sang tay” ở mức 0.6926 USD sau khi chạm mức 0.6913 USD.
Vũ Hạo (Theo CNBC)