Vietstock - Hàng tồn chất đống, lợi nhuận hãng thời trang H&M giảm chóng mặt
Kết quả kinh doanh mới nhất cho thấy giá trị số hàng tồn kho mà hãng này đang “ôm” lên tới hơn 4 tỷ USD...
Một cửa hiệu của hãng thời trang H&M - Ảnh: Reuters/ BBC.
|
Nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển Hennes & Mauritz AB (H&M) cho biết lượng quần áo tồn kho của hãng đã tăng đến mức kỷ lục, trong khi lợi nhuận giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm.
Theo hãng tin Bloomberg, báo cáo kết quả kinh doanh do H&M công bố ngày 27/3 cho thấy giá trị số hàng tồn kho mà hãng này đang "ôm" lên tới hơn 4 tỷ USD. Lượng hàng tồn kho này tương đương 17,6% doanh thu của hãng trong cả quý.
Lợi nhuận ròng quý tài khóa kết thúc vào cuối tháng 2/2018 của H&M giảm 44% so với cùng kỳ năm trước, còn 1,37 tỷ Kronor, tương đương 167,4 triệu USD.
Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu H&M ngay sau khi báo cáo trên được công bố, khiến giá cổ phiếu hàng giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 10 năm. Lúc mới mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba tại Stockholm, cổ phiếu H&M đã giảm ngay 4,1%, còn 122,1 Kronor/cổ phiếu.
"Tín hiệu đáng lo ngại một lần nữa lại đến từ lượng hàng tồn kho ngày càng lớn", nhà phân tích Chris Chaviaras thuộc Bloomberg Intelligence nhận định.
Hồi đầu năm nay, H&M đã đưa ra dự báo triển vọng kinh doanh u ám. Sau đó, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi thời tiết ở châu Âu ấm bất thường trong tháng 1, rồi lại lạnh sâu trong tháng 2 khiến ngành bán lẻ quần áo "trở tay không kịp". Thời tiết khó lường đã biến H&M phải giảm giá mạnh quần áo để đẩy hàng tồn.
Giám đốc điều hành (CEO) Karl-Johan Persson của H&M nói công ty đã mắc sai lầm khi cắt giảm chủng loại sản phẩm vào năm ngoái, nhưng hy vọng doanh thu sẽ cải thiện trong nửa cuối năm nay. Ông Persson, một tỷ phú 43 tuổi, cũng nói H&M sẽ nỗ lực giảm hàng tồn kho xuống còn 12-14% doanh thu trong năm 2019.
"Chúng tôi đã không thể cải thiện tình hình nhanh chóng. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để sửa chữa", ông nói.
H&M hiện đang mở một thương hiệu mới có tên gọi Afound để bán các mặt hàng từ nhiều thương hiệu khác của hãng với mức giá rẻ, bao gồm cả H&M, nhằm giảm lượng hàng tồn kho. Ngoài ra, hãng cũng mở thêm 3 trung tâm hậu cần với mức độ tự động hóa cao trong năm nay để đẩy nhanh tốc độ giao hàng.
H&M giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng doanh thu ít nhất 25% đối với mảng bán hàng trực tuyến và các mảng kinh doanh mới trong năm nay, dù không đạt mục tiêu này trong quý 1. Doanh thu bán hàng trên mạng của hãng tăng 20% trong quý, trong khi doanh thu từ các mảng kinh doanh mới chỉ tăng 15%.
Hãng cho biết đã bắt đầu bán online ở Ấn Độ và mở cửa hiệu trực tuyến H&M trên nền tảng Tmall của Alibaba, và hai dự án này đều có sự khởi đầu tốt.
H&M có 171.000 nhân viên và 4.700 cửa hiệu trên toàn cầu. Những khó khăn mà H&M gặp phải hiện nay được cho là xuất phát từ việc hãng chậm chân trong việc phát triển bán hàng trực tuyến, đặc biệt là chậm hơn so với đối thủ Tây Ban Nha Zara.
THĂNG ĐIỆP