Vietstock - Chuyện gì xảy ra khi một quốc gia vỡ nợ?
Một quốc gia vỡ nợ khác với doanh nghiệp phá sản ra sao? Hệ quả của vỡ nợ là gì? Sau đây là lời giải thích của Tạp chí The Economist.
* Nga tung 'phao cứu sinh' cho Venezuela
Người dân Venezuela đi chợ ở thành phố Caracas ngày 13-11 - Ảnh: REUTERS
|
Tình trạng các quốc gia nợ nần ngập đầu dẫn đến mất khả năng chi trả không hiếm trong lịch sử. Tây Ban Nha hồi thế kỷ 16, dưới sự trị vì của Vua Philip II, trải qua 4 lần vỡ nợ. Hy Lạp và Argentina thì lần lượt thất hứa với các chủ nợ 7 và 8 lần trong 200 năm qua...
Nhìn chung, hầu hết các nước đều vỡ nợ ít nhất một lần trong lịch sử của họ.
Câu hỏi là chuyện gì xảy ra khi các nước không trả nổi tiền đã vay mượn?
Chính phủ vỡ nợ khác với một doanh nghiệp bị phá sản, cơ bản vì các chủ nợ sẽ khó thu hồi tài sản của một đất nước hơn tài sản của một công ty. Năm 2012 từng có trường hợp một con tàu hải quân không vũ trang của Argentina bị giam giữ ở Ghana suốt 10 tuần, nhưng đó là ngoại lệ.
Thông thường, để không bị mất uy tín trên thị trường quốc tế, các quốc gia vỡ nợ chọn cách tái cấu trúc nợ thay vì đơn giản là từ chối chi trả. Nhưng các khoản lỗ dự kiến này, trong đó giá trị gốc của trái phiếu bị giảm, có thể gây thiệt hại nhiều đối với các nhà đầu tư.
Sau cú vỡ nợ 81 tỉ USD năm 2001, Argentina ban đầu đề nghị trả các chủ nợ 1/3 số tiền thiếu, và cuối cùng thì 93% khoản nợ được chuyển đổi sang trái phiếu bảo đảm vào các năm 2005 và 2010.
Còn khi Hy Lạp vỡ nợ năm 2012, các chủ nợ bị buộc phải chấp nhận khoản lỗ cao nhất lên đến 50%.
Trong những trường hợp ít nghiêm trọng hơn, các quốc gia có thể chọn tái cấu trúc nợ bằng cách xin thêm thời gian để xoay sở. Nhưng điều này có tác động làm giảm giá trị trái phiếu, do đó cũng không phải là vô hại đối với các nhà đầu tư.
Cuộc khủng hoảng tài chính khiến người dân Venezuela đổ tiền vào các hoạt động cờ bạc để cầu may. Trong ảnh là người dân mua vé trò cá cược "Los Animalitos" tại một cửa hàng ngoại ô Caracas - Ảnh: REUTERS
|
Các quốc gia vỡ nợ tất nhiên cũng phải gánh nhiều hậu quả, đặc biệt nếu vỡ nợ xảy ra bất ngờ và hỗn loạn. Đoán trước cú rớt giá của đồng nội tệ, các nhà đầu tư trong nước và người dân sẽ ùn ùn kéo ra ngân hàng rút hết tiền trong tài khoản để chuyển ra nước ngoài.
Để tránh tình trạng này, chính phủ sẽ phải đóng cửa ngân hàng và áp các biện pháp kiểm soát dòng tiền.
Còn để trừng phạt quốc gia vỡ nợ, các thị trường vốn sẽ áp đặt mức lãi suất trừng phạt, hoặc là từ chối cho vay hoàn toàn. Riêng các hãng đánh giá tín dụng chắc chắn sẽ cảnh báo nhà đầu tư không đổ tiền thêm vào quốc gia vỡ nợ.
Nhưng lịch sử cho thấy ở hầu hết các nước, các tổ chức tài chính trước sau gì cũng sẽ tiếp tục cho vay nếu họ cảm thấy phần thưởng thu được xứng đáng với rủi ro phải gánh. Thêm vào đó, hoán đổi nợ xấu - công cụ tài chính đóng vai trò bảo hiểm cho các khoản nợ quốc gia/doanh nghiệp - giúp nhà đầu tư trái phiếu giảm bớt rủi ro.
Nhưng không phải khoản nợ nào cũng như nhau: Argentina tiếp tục vỡ nợ hồi năm 2014 vì từ chối trả khoản tiền 1,3 tỉ USD gồm lãi cho một số chủ nợ từ năm 2001.
Quan trọng nhất, do không có bất cứ luật hay tòa án quốc tế nào dàn xếp các vụ vỡ nợ quốc gia, nó giải thích tại sao ở mỗi nước mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài (của vỡ nợ) lại khác nhau.
Cuối cùng, giống như bất cứ vụ ly hôn nào, các cuộc thương lượng dài lê thê sau vỡ nợ đều gây tổn thất cho các bên liên quan. Do đó, dàn xếp trước khi làm đám cưới (trước khi cho vay) có thể không phải là ý tồi.
PHÚC LONG