Vietstock - Phải chăng Trung Quốc đã khủng hoảng?
Một lần nữa, nhà đầu tư thế giới lại đưa ánh mắt lo ngại tới Trung Quốc. Cũng hợp lý thôi khi tăng trưởng kinh tế quý 3/2018 của nước này giảm xuống 6.5%, thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hoạt động mua xe hơi năm 2018 cũng giảm lần đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ qua. Chưa hết, lời cảnh tỉnh từ Apple (NASDAQ:AAPL) hồi đầu tháng 1/2019 về doanh số bán iPhone ở Trung Quốc cho thấy đà giảm tốc của Trung Quốc có thể tác động tới tăng trưởng toàn cầu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ngay cả với đà tăng gần đây, thị trường chứng khoán ở Thượng Hải vẫn còn giảm hơn 25% so với mức đỉnh năm 2018. Triển vọng năm nay cũng chẳng khá khẩm hơn. Hàng rào thuế quan từ Mỹ bắt đầu tác động tới hoạt động sản xuất của Trung Quốc. Đà giảm mạnh bất chợt của kim ngạch nhập khẩu Trung Quốc tháng 12/2018 báo hiệu nền kinh tế đang giảm tốc mạnh đến nhường nào. Điều này buộc Bắc Kinh phải tới bàn đàm phán với Washington để xoa dịu mâu thuẫn giữa đôi bên.
Việc tiến tới một thỏa thuận thương mại (nếu có) có thể xoa dịu tâm lý nhà đầu tư và có lẽ còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – ít nhất là tạm thời. Thế nhưng, thỏa thuận thương mại cũng chẳng thể đặt dấu chấm hết cho những tai ương ở Trung Quốc. Hàng rào thuế quan đúng là một điều phiền toái, nhưng vấn đề thực sự của Trung Quốc còn đáng lo ngại hơn gấp bội, đan xen vào cấu trúc tài chính của Trung Quốc.
Những gì mà đông đảo nhà đầu tư không để ý tới là Trung Quốc đã trong cuộc khủng hoảng tự bao giờ. Không giống như cuộc khủng hoảng tại Mỹ trong năm 2008 hay như cuộc khủng hoảng đáng kinh ngạc và dữ dội mà các “Con hổ châu Á” đã chứng kiến trong năm 1997, đây là một cuộc khủng hoảng tràn ngập với các ngân hàng “bị rút ruột”, các công ty lần lượt phá sản và Chính phủ thực hiện nhiều vụ giải cứu. Ông Michael Schuman – tác giả của bài viết này – gọi đây là một “cuộc khủng hoảng tài chính mang màu sắc của Trung Quốc”.
Cuộc khủng hoảng không chỉ là về đà giảm tốc về tăng trưởng kinh tế. Tình trạng này đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài và vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Cách thức giải quyết tình trạng này (hoặc không ) sẽ mang lại hậu quả lớn hơn, chứ không chỉ là một vài quý có thành quả tăng trưởng yếu. Cuộc khủng hoảng này là về tương lai kinh tế của Trung Quốc và liệu họ có thể thực hiện những thay đổi cấu trúc cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế lọt vào top những nền kinh tế tiên tiến nhất trên thế giới hay không. Và nó cũng sẽ xác định xem Trung Quốc sẽ là trụ cột của tăng trưởng toàn cầu hay chỉ là mối đe dọa tới sự ổn định tài chính trên thế giới.
Nghe thoáng qua, ý tưởng cho rằng Trung Quốc đang khủng hoảng quả là nực cười. Tăng trưởng dù đã giảm, nhưng vẫn còn khá mạnh (nếu tin vào số liệu từ Chính phủ Trung Quốc). Các công ty và ngân hàng chưa rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán ở quy mô lớn. Đồng Nhân dân tệ thậm chí còn cho thấy dấu hiệu khởi sắc trong vài ngày gần đây.
Đúng là Trung Quốc chưa từng rơi vào tình trạng sụp đổ hoảng loạn bắt nguồn từ Phố Wall trong năm 2008. “Cuộc khủng hoảng tài chính mang màu sắc của Trung Quốc” không hề giống với những cuộc khủng hoảng khác. Thay vì sụp đổ bất chợt, hủy hoại ngân hàng và việc làm, phiên bản khủng hoảng của Trung Quốc là giảm tốc từ từ đến nỗi khó mà nhận ra. Dù vậy, cuối cùng thì chi phí và nỗi đau từ cuộc khủng hoảng có thể tương tự – thậm chí còn tệ hơn – những cuộc khủng hoảng truyền thống trước đó.
Một vài năm trước đó, một số nhà quan sát Trung Quốc (bao gồm cả người viết) dự báo nền kinh tế nước này có thể rơi vào khủng hoảng kiểu năm 2008. Tất cả tín hiệu cảnh báo thảm họa lần lượt xuất hiện: Bong bóng nhà ở, công suất dư thừa trong các ngành công nghiệp từ thép cho tới tấm năng lượng mặt trời, và đáng lo ngại hơn tất cả là núi nợ khổng lồ. Tổng nợ trên sản lượng quốc gia đã tăng lên 253% vào giữa năm 2018, từ mức 140% tại thời điểm 10 năm trước, theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Kể từ những năm 90, hông nền kinh tế mới nổi nào có thể nợ tăng trưởng nhanh đến thế mà không gặp tai ương về tài chính. Liệu Trung Quốc có thể tránh khỏi một thảm họa nợ nần?
Một số chuyên gia đã theo dõi và chờ đợi khoảnh khắc “Lehman Brothers” của Trung Quốc. Nhưng chúng chưa bao giờ xuất hiện cả. Một số chuyên viên phân tích rồi cũng kết luận thời khắc đó sẽ không bao giờ đến. Thật vậy, Trung Quốc quá lớn để có thể sụp đổ (too big too fail). Chính phủ Trung Quốc kiểm soát mạnh đối với ngân hàng, các tập đoàn lớn và dòng vốn, và nhờ đó, họ có thể ngăn chặn kiểu khủng hoảng mà những nền kinh tế tự do hơn không thể. Quốc gia này trở thành tâm điểm chú ý trên thế giới trong năm 2015, sau khi bong bóng thị trường chứng khoán nổ ra. Thế là Chính phủ liền ứng cứu và ngăn chặn dòng vốn tháo chạy, và rồi cuộc khủng hoảng được ngăn chặn thành công.
Cách tiếp cận trên là tiêu biểu cho chiến lược chung của Bắc Kinh trong việc giải quyết vấn đề nợ. Chính phủ Trung Quốc sẽ không cho phép quả bom nợ phát nổ. Thế nhưng, “cuộc khủng hoảng tài chính mang màu sắc của Trung Quốc” cũng đang gây thiệt hại tới nền kinh tế.
Trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, “sức khỏe” của các ngân hàng Trung Quốc sẽ bị “xói mòn” một cách đáng sợ. Mặc dù lượng nợ xấu chính thức chạm mức cao nhất trong 1 thập kỷ vào cuối năm 2018, nhưng vẫn chưa tới 2% tổng nợ đang lưu hành, theo dữ liệu từ Chính phủ Trung Quốc. Khó mà tin được vào thống kê này. Charlene Chu, Đối tác cấp cao tại Autonomous Research và là một trong những chuyên gia hàng đầu về tín dụng Trung Quốc, ước tính rằng 24% lượng tín dụng (trị giá khoảng 8.5 ngàn tỷ USD) đã chuyển thành nợ xấu. Nghe thì có vẻ hơi thái quá, nhưng trong cuộc khủng hoảng năm 1997, lượng nợ xấu ở Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan đã chạm tới mức 1/3 tổng nợ của họ.
Cũng thường xảy ra trong các cuộc khủng hoảng, mức nợ thật sự và thiệt hại có thể còn hơn tưởng tượng của bất kỳ ai. Trong một bài nghiên cứu tháng 10/2018, S&P Global Ratings lưu ý lượng trái phiếu Chính phủ Trung Quốc vẫn còn là một bí ẩn, vì phần lớn không được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán. Phần nợ “ẩn” có thể gấp mấy lần so với mức được tiết lộ công khai – có thể lên tới 6 ngàn tỷ USD. S&P gọi mức nợ công bố công khai chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”.
Ngoài ra, Trung Quốc còn phải đương đầu với một đặc tính khác của một cuộc khủng hoảng tài chính: Dòng vốn tháo chay. Nhờ có các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, dòng vốn không thể tháo chạy ra như trong những nền kinh tế ít kiểm soát hơn. Thế nhưng, dòng vốn rồi cũng chuyển ra nước ngoài thôi. Trung Quốc đứng đầu danh sách người nước ngoài mua bất động sản ở Mỹ trong 6 năm liên tiếp, theo Hiệp hội Bất động sản Quốc gia (NAS). Trong 12 tháng kết thúc vào cuối tháng 3/2018, họ chi ra hơn 30 tỷ USD để mua nhà ở Mỹ. Người Canada chỉ mua bằng 1/3 số đó. Trong khi đó, người Anh và Ấn Độ chỉ chiếm 25% số đó.
Với quốc gia đã bị chôn vùi trong nợ nần, mỗi nỗ lực kích thích nền kinh tế bằng bơm tín dụng mới sẽ ngày càng ít hiệu quả. Có lẽ sẽ đến một thời điểm mà ngay cả các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng nhận ra rằng khoản nợ này rất nguy hiểm đến nỗi việc kiểm soát nó phải được ưu tiên hơn so với tăng trưởng.
Theo McMahon, giải pháp thực sự duy nhất là “thay đổi cách tăng trưởng của nền kinh tế”. Các chuyên gia kinh tế và chính sách từ lâu đã tranh cải về sự cần thiết của việc tái cân bằng – chuyển động cơ tăng trưởng từ đầu tư sang tiêu thụ. Điều đó không hề diễn ra đủ nhanh. Mỗi lần Chính phủ sử dụng nợ để thúc đẩy tăng trưởng thì đó lại là một bước lùi đối với quá trình cải cách hệ thống kinh tế.
Tuấn Kiệt (Theo Bloomberg)