Vietstock - Giao dịch ở Việt Nam, tiền chảy về Trung Quốc
Hình thức thanh toán QR bùng nổ khiến tình trạng chuyển ngân lậu dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Ảnh: Shutterstock
|
Từ máy POS lạ tới quét mã QR
Chiều 3.7 tại chợ Hàn (Đà Nẵng), nơi tập trung nhiều du khách Hàn Quốc, Trung Quốc, chúng tôi bắt gặp một quầy hàng đặc sản đồ khô (cá, mực, tôm, bò khô) chấp nhận thanh toán bằng Alipay. Chủ quầy hàng cho biết, chỉ cần các tài khoản Alipay kết nối với nhau, chủ hàng gửi mã và người mua thanh toán thì giao dịch đã hoàn thành. Kiểu thanh toán này đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các điểm đến tập trung đông khách Trung Quốc như Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng...
Một quầy hàng ở chợ Hàn, TP.Đà Nẵng có dán biểu tượng Alipay và chấp nhận thanh toán theo hình thức này. ẢNH: VĂN TIẾN
|
Ông Nguyễn Cao Phong, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Nam Đà Nẵng, khẳng định Alipay, WeChat không đăng ký ở thị trường VN nên các thanh toán này là không hợp lệ. Các điểm bán hàng sử dụng hình thức mã QR trong thanh toán từ nước ngoài là hoạt động “chui”, rủi ro pháp lý rất lớn. "Trước đây du khách sử dụng séc du lịch, người bán nhận rồi mang ra ngân hàng thanh toán lại, thì nay xuất hiện thêm hình thức này. Quét mã QR ai tham gia cũng được nhưng người ở Trung Quốc mới nhận được tiền, còn không thì phải thông qua đại lý trung gian và mất phí”, ông Nguyễn Cao Phong nói.
Trước đó, vào cuối tháng 4, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Ninh bắt quả tang và tạm giữ 3 máy POS “lạ” tại cửa hàng thuốc thảo dược nổi tiếng VN (địa chỉ Kiot A114, công viên Sunworld Hạ Long, P.Bãi Cháy, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Ngoài 3 máy POS “lạ”, đoàn còn phát hiện 17 hóa đơn thanh toán được quy đổi ra khoảng 700 triệu đồng. Sau gần 1 tháng thông báo truy tìm chủ nhân của 3 chiếc máy POS, ngày 3.7, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh, cho biết đến thời điểm này chưa thấy ai đến nhận. Chủ sạp này cho người khác thuê lại và người thuê đã bỏ trốn nên vụ việc vẫn đang được cơ quan công an điều tra xử lý. Khi cơ quan chức năng phối hợp bắt quả tang trường hợp này, phát hiện 3 máy POS lạ, cùng với những hóa đơn sử dụng ngôn ngữ Trung Quốc có giá trị thanh toán mấy trăm triệu đồng, những máy POS này không kết nối qua ngân hàng, công ty thanh toán của VN mà chuyển thẳng thanh toán ra nước ngoài. Đây là hình thức chuyển ngân lậu ra khỏi VN.
Người bán hàng rong ở Trung Quốc vẫn có thể nhận thanh toán bằng mã QR code. Ảnh: shutterstock
|
Việc thương nhân nước ngoài mang máy POS đi sâu vào nội địa thì việc kiểm soát chuyển tiền ra khỏi lãnh thổ VN rất khó phát hiện. Thế nhưng thanh toán qua POS còn chưa đáng lo bằng việc quét bằng mã QR code bằng điện thoại như vừa nói trên. Thay vì sử dụng thẻ ATM, khách hàng sẽ sử dụng điện thoại thông minh có ví điện tử quét qua các mã QR ở các điểm bán hoặc qua website thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ. Và số tiền này chảy lọt ra khỏi VN.
Thanh toán “chui” ngày càng nhiều
Ở Trung Quốc, hình thức thanh toán qua mã QR rất phát triển, các ví Alipay, WeChat được sử dụng phổ biến. Thậm chí người ăn xin còn sử dụng mã QR code để nhận tiền bố thí. Hiện Alipay có 520 triệu và WeChat Pay có 1 tỉ người dùng thường xuyên. Chính vì vậy mà khách Trung Quốc đi du lịch các nước thường hay sử dụng 2 dịch vụ này trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Cuối năm 2017, Công ty quản lý dịch vụ thanh toán của Trung Quốc (Alipay) đã ký kết thỏa thuận chiến lược với Công ty CP thanh toán quốc gia VN (Napas). Qua đó, du khách Trung Quốc có thể thực hiện chi tiêu, mua sắm bằng ứng dụng thanh toán Alipay - tương tự như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hay tài khoản ngân hàng khi đến VN. Tuy nhiên, đến nay thị trường trong nước chưa chính thức triển khai hình thức thanh toán này. Chỉ một số điểm bán hàng cho khách Trung Quốc thực hiện “chui” để đáp ứng nhu cầu của khách. Lượng khách Trung Quốc tới VN ngày càng đông, kéo theo các điểm bán hàng hóa, dịch vụ thanh toán chui qua quét mã QR ngày càng nhiều.
Theo tính toán của một đơn vị ví điện tử, QR code sẽ khiến việc thanh toán di động bùng nổ mạnh hơn. Vì để trang bị máy POS cho 1.000 xe taxi quẹt thẻ thì cần đầu tư khoảng hơn 300.000 USD, tương đương gần 7 tỉ đồng. Nhưng để gắn mã QR cho số lượng xe taxi này thì chỉ cần chi phí chưa tới 20 triệu đồng. Chính vì vậy, xu hướng sử dụng QR code là điều tất yếu. Đa số người Trung Quốc hiện nay cũng quen sử dụng ví điện tử Alipay hay WeChat Pay với mã QR riêng biệt. Khi đến VN, dù mua một chai nước suối, chỉ cần đưa máy điện thoại di động có mã QR cho bên bán có chấp nhận thanh toán Alipay hay WeChat Pay là xong. Thậm chí trường hợp bên bán chỉ cần in tờ giấy có mã QR dán lên quầy thì khách hàng cũng tự động sử dụng điện thoại quét qua hoàn thành giao dịch. Có điều, nếu người tiêu dùng VN sử dụng các loại ví điện tử như Vimo, Momo, Payoo, ZaloPay… để thanh toán thì số tiền sẽ chuyển sang ví điện tử tương ứng của người nhận. Sau đó, người nhận sẽ rút tiền từ ví điện tử về tài khoản ngân hàng của mình. Như vậy dòng tiền vẫn chạy trong hệ thống ngân hàng của VN. Còn khách hàng Trung Quốc sử dụng Alipay và WeChat Pay chưa được kết nối với đơn vị nào ở VN thì số tiền cũng chạy sang một ví điện tử tương ứng và được rút ra ở một ngân hàng Trung Quốc mà hoàn toàn không thông qua hệ thống ngân hàng VN.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Công ty cổ phần công nghệ Vi mô (ví điện tử Vimo) thừa nhận: Công nghệ thanh toán bằng QR code nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều vì chỉ cần có điện thoại di động kết nối internet. Khi đó, những hoạt động thanh toán lậu có thể sẽ không dừng ở phạm vi các vùng ven biên giới như hiện nay mà có thể tràn sâu vào đất liền của VN. Theo thống kê của công ty này, hơn 90% trong số hơn 5 triệu khách du lịch Trung Quốc vào VN hiện thanh toán bằng mã QR vì đa số họ đều có ví điện tử của Alipay hay Wechat Pay. Lý do chính cho việc thanh toán lậu nói trên là rẻ, thuận tiện. Nếu như phải kết nối với việc thanh toán cả Alipay và WeChat Pay thông qua Vimo (đây là công ty đầu tiên ở VN ký hợp tác thanh toán với cả hai đơn vị này) thì mức phí của các điểm thanh toán có thể phải trả lên đến 2 - 3% thì khi thanh toán lậu, mức phí chỉ có 0,1 - 0,2% vì được xem như là giao dịch nội địa.
Ông Bình thông tin thêm việc thanh toán lậu diễn ra ở nhiều cửa hàng được các hướng dẫn viên đưa khách du lịch Trung Quốc đến, thông qua tài khoản ví của chính hướng dẫn viên đăng ký ở Trung Quốc hoặc đó là các điểm bán hàng, cung cấp dịch vụ do người Trung Quốc sang VN kinh doanh. Thậm chí, có cửa hàng giao dịch thanh toán đến 400 - 500 triệu đồng mỗi ngày vì việc sử dụng mã QR rất nhanh chóng.
“Khi sử dụng thanh toán bằng mã QR thì rất khó phát hiện và ngăn chặn. Đó là chưa kể khi các ví điện tử có giấy phép hoạt động tại VN thì giao dịch toàn bằng tiền đồng nhưng các vụ thanh toán lậu như trên là theo tiền nhân dân tệ. Toàn bộ giao dịch diễn ra trên lãnh thổ VN nhưng dòng tiền lại chạy bên phía Trung Quốc. Điều này khiến cơ quan nhà nước thất thu thuế và nặng nhất là ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nhà nước”. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Công ty cổ phần công nghệ Vi mô |
Thanh Xuân, Mai Phương, Nguyễn Tú