Vietstock - Chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”
Các cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử sơ thẩm 29 vụ/380 bị cáo, với những mức án nghiêm khắc và nhân văn, với quan điểm chỉ đạo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong phòng chống tham nhũng...
Thi Danh, nguyên Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Tân Phú (TP.HCM), bị tuyên án tử hình tháng 6.2018 vì tham ô hơn 54 tỉ đồng
Ảnh: Tuyết Mai
|
Trả lời kiến nghị cử tri tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 vừa kết thúc vào giữa tháng 6, Ban Nội chính T.Ư cho biết thời gian qua, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý 53 vụ án, 32 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Các cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử sơ thẩm 29 vụ/380 bị cáo, với những mức án nghiêm khắc và nhân văn, với quan điểm chỉ đạo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong phòng chống tham nhũng... Công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn này được đánh giá là đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt; kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên được tăng cường; được người dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Theo tổng hợp của Chính phủ, trong 10 năm thực hiện luật Phòng chống tham nhũng (2006 - 2016), toàn ngành thanh tra và các cấp, các ngành đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 8.234 tập thể, 33.722 cá nhân; kiến nghị thu hồi 142.160 tỉ đồng, 993.978 USD và 51.515 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 752 vụ, 1.143 đối tượng. Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hơn 187.530 tỉ đồng, chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý tổng số 477 vụ việc (trong đó chuyển cơ quan điều tra 73 vụ với 159 người có hành vi tham nhũng).
Trong 10 năm, các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn (đã khởi tố 2.530 vụ án tham nhũng với 5.447 bị can; truy tố 2.959 vụ, 6.935 bị can; xét xử 2.628 vụ, 5.870 bị cáo). Thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là 59.750 tỉ đồng và trên 400 ha đất. Số tiền đã thu hồi cho nhà nước là 4.676,6 tỉ đồng và trên 219 ha đất.
Tuy nhiên, công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Hiệu quả phát hiện vụ việc tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chưa cao; các cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt, thẩm quyền của các cơ quan này còn hạn chế, không đủ để làm rõ hành vi tham nhũng trong trường hợp đã phát hiện dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở; nhiều vụ việc, vụ án có quy mô lớn chậm được phát hiện, khi phát hiện thì chậm được làm rõ, kết luận và xử lý. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, có một số trường hợp tội phạm tham nhũng nhưng cho hưởng án treo chưa đúng với quy định của pháp luật.
Xếp hạng các địa phương về phòng, chống tham nhũng Năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành đánh giá thí điểm công tác phòng chống tham nhũng đối với các địa phương dựa trên phương pháp chấm điểm theo các tiêu chí với bằng chứng cụ thể. Theo đánh giá này, điểm phòng chống tham nhũng trung bình của cả nước rất thấp, chỉ đạt 58,11/100 điểm. Trong các chỉ số, chỉ số về xử lý tham nhũng là thấp nhất, chỉ đạt 10,4/25 điểm, tức là chỉ đạt khoảng 41 điểm trên thang điểm 100. 10 tỉnh đứng đầu cả nước về phòng chống tham nhũng (thang điểm 100) |
Ý kiến Không thể coi thường tham nhũng “vặt”
Thực tế tham nhũng vặt trong bộ máy công vụ cũng là một vấn nạn gây bức xúc, làm giảm uy tín của tổ chức bộ máy. Tham nhũng vặt được xem là một đặc quyền đặc lợi, nên thực tế không ít nơi lo nếu áp dụng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn thì sợ mất đi đặc quyền đặc lợi đó. Để không có tham nhũng vặt, theo kinh nghiệm từ các nền hành chính công hiện đại, là phải xây dựng tiêu chí minh bạch để chấm công, đánh giá công chức gắn liền với chế độ tiền lương thỏa đáng, khuôn khổ pháp lý về giám sát, kiểm tra rõ ràng, chặt chẽ…; để thay vì cán bộ, công chức lấy một đồng tiền hối lộ của dân, thì người ta lấy một đồng tiền khen thưởng từ chính quyền, mà thực tế ai cũng thấy là tiền khen thưởng vừa danh giá, vừa an toàn hơn. Đặc biệt, việc đặt ra quy định đơn vị nhà nước phải bồi thường khi hồ sơ hành chính bị giải quyết trễ hẹn, gắn việc bồi thường này với trách nhiệm công chức, thì công chức có cố tình muốn rề rà, nhũng nhiễu cũng không được. Về mặt chủ quan, phải có biện pháp hạn chế cơ hội tiếp xúc giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ. Yếu tố lành mạnh trong tổ chức, vận hành bộ máy cũng tác động rất lớn từ những tiêu chí công khai minh bạch như thế. Người dân cũng cần phải thay đổi thói quen xin xỏ, “bôi trơn” khi vi phạm, khi làm các thủ tục hành chính. PGS-TS Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM Đình Phú (ghi) Thanh niên |