Vietstock - Cổ phiếu Apple “nhấn chìm” Phố Wall, Dow Jones sụt 600 điểm, Nasdaq mất 2.8%
Các chỉ số chính trên Phố Wall chìm sâu vào sắc đỏ trong ngày thứ Hai (12/11) sau khi đà lao dốc của cổ phiếu Apple, đồng USD mạnh và nỗi lo ngại về thương mại toàn cầu đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.
Khép lại phiên ngày thứ Hai (12/11), chỉ số Dow Jones giảm 602 điểm (tương ứng 2.32%) xuống 25,387.18 điểm, chỉ số S&P 500 mất 54.79 điểm (tương ứng 1.97%) còn 2,726.22 điểm và chỉ số Nasdaq Composite “bốc hơi” 206.03 điểm (tương ứng 2.78%) xuống 7,200.87 điểm.
Đáng chú ý, Dow Jones đã “bay hơi” 804 điểm trong 2 phiên, Nasdaq Composite thì trở về phạm vi điều chỉnh. S&P 500 thì chịu áp lực từ nhóm cổ phiếu tài chính, dẫn đầu là Goldman Sachs.
Vào cuối phiên chiều, các chỉ số chính chạm mức thấp nhất trong phiên, sau khi Bloomberg News ghi nhận, Nhà Trắng đang “chuyền tay” một báo cáo phác thảo về hàng rào thuế quan xe hơi. Và thế là cổ phiếu General Motors quay đầu giảm điểm.
Đáng chú ý nhất, cổ phiếu Apple rớt 5% sau khiLumentum Holdings – vốn làm ra công nghệ cho chức năng nhận diện khuôn mặt của iPhone – đã hạ triển vọng trong quý 2 của năm tài khóa 2019.
Đà lao dốc của cổ phiếu Apple gây áp lực lên toàn bộ lĩnh vực công nghệ. Chứng chỉ quỹ Technology Select Sector SPDR lao dốc 3.5%. Ngoài ra, hai cổ phiếu Alphabet và Amazon giảm tương ứng 2.7% và 4.3%. Cổ phiếu Amazon rơi vào phạm vi thị trường con gấu, giảm khoảng 20% so với mức đỉnh 52 tuần. Chỉ mới hơn 2 tháng trước, ông lớn thương mại điện tử này còn chạm tới cột mốc 1 ngàn tỷ USD vốn hóa.
Nhóm công nghệ thuộc S&P 500 cũng rơi vào phạm vi điều chỉnh, giảm hơn 10% so với mức đỉnh 52 tuần. Trong nhóm cổ phiếu công nghệ, gần như 70% cổ phiếu đã rơi vào phạm vi điều chỉnh.
Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, cho biết, giờ thì nhóm FANG không còn là giao dịch “nóng” và thị trường đang chật vật tìm sự thay thế cho nhóm này.
Cổ phiếu Goldman Sachs giảm mạnh nhất trong 7 năm sau khi một nguồn tin cho biết, Bộ trưởng Tài chính Malaysia yêu cầu Goldman Sachs hoàn trả khoản phí mà 1MDB – quỹ đầu tư quốc gia Malaysia đang vướng vào một vụ bê bối – đã trả cho họ.
Thêm vào đó, đồng USD mạnh cũng gây áp lực lên cổ phiếu khi nhà đầu tư lo ngại về tác động của đồng tiền này tới doanh số nước ngoài của các công ty đa quốc gia. Chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – tăng lên mức 97.58, cao nhất kể từ ngày 23/06/2017. Ngoài ra, đồng bạc xanh còn chạm mức đỉnh hơn 1 năm so với Euro và Franc Thụy Sỹ.
“Đây là lúc để cân nhắc giảm bớt rủi ro thay vì tăng thêm rủi ro”, Tom Martin, Chuyên gia quản lý danh mục tại Globalt, cho hay. “Nó không giống như chúng ta đang ở điểm khởi đầu của thị trường con gấu mang tính chu kỳ nhưng thận trọng sẽ là khôn ngoan”.
Chưa hết, nhà đầu tư cũng lo ngại về khả năng leo thang của căng thẳng thương mại toàn cầu.
Tờ Axios ghi nhận, Tổng thống Mỹ Donald Trump nghĩ việc đe dọa áp thêm thuế lên lượng xe hơi sản xuất ở nước ngoài là chiến thuật đàm phán tốt nhất của ông về thương mại. Nguồn tin này cho biết, ông Trump đã nói với các trợ lý rằng ông có thể tiến tới một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Canada vì ông đã đe dọa với Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, bằng việc áp hàng rào thuế quan lên xe hơi sản xuất ở nước này.
Trước đó, ông Trump cân nhắc áp thêm thuế 25% lên xe hơi sản xuất bên ngoài nước Mỹ. Các nhà sản xuất xe hơi và Chính phủ nước ngoài đã lên tiếng chỉ trích ông Trump vì điều này, đồng thời lưu ý rằng hàng rào thuế quan này sẽ làm gia tăng chi phí xe hơi và tác động tới doanh số cũng như việc làm.
Thông tin từ Axios được đưa ra khi ông Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, sắp gặp gỡ trực tiếp tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này.
Haibin Zhu của JPMorgan cho rằng, có xác suất 55% là cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc không thể tiến tới một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh G20.
“Chúng tôi vẫn cẩn trọng, khi các rào cản trong việc giải quyết xung đột thương mại Mỹ-Trung vẫn còn khá nhiều”, Zhu nhận định. “Xung đột Mỹ-Trung vượt ra khỏi phạm vi thương mại sang các lĩnh vực như công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường, chính sách công nghiệp và cuối cùng đặt trọng tâm vào sự cạnh tranh của hai siêu cường kinh tế trên thế giới”.
“Vẫn chưa rõ là liệu Trung Quốc có sẵn lòng thực hiện các thay đổi vượt ra khỏi phạm vi lĩnh vực thương mại hay không (chẳng hạn khả năng tiếp cận thị trường, bảo vệ sở hữu trí tuệ, công nghệ) và liệu Mỹ sẽ ưu tiên danh sách yêu cầu của họ”, ông Zhu nói thêm.
Đà giảm của cổ phiếu công nghệ và nỗi lo về thương mại đã lấn át đi các thông tin về các thỏa thuận lớn,
SAP đồng ý thâu tóm công ty phần mềm tư nhân Qualtrics với giá 8 tỷ USD tiền mặt. Trong khi đó, Veritas Capital và Elliott Management nhất trí mua lại Athenahealth với giá hơn 5 tỷ USD.
Cổ phiếu General Electric giảm 6.9% xuống dưới 8 USD/cp, sau khi CEO Larry Culp cho biết ông cảm thấy sự khẩn cấp của việc giảm bớt đòn bẩy, đồng thời nói thêm họ sẽ thực hiện điều này bằng cách bán tài sản.
Vũ Hạo (Theo CNBC)