Vietstock - Nghịch lý tại HID!
Đơn hàng gối đầu dồi dào, kinh doanh trước và sau khi chào sàn đều tiến triển tốt đẹp. Song, thị giá cổ phiếu đã “vội vàng” rơi thẳng đứng sau chưa đầy một tháng thăng hoa. Liệu điều gì đang ngầm xảy ra đằng sau bức tranh giao dịch cổ phiếu CTCP Đầu tư và Tư vấn Hà Long (HOSE: HID), khi mà sức khỏe tài chính của Công ty khá ổn định.
Kinh doanh liên tục tăng trưởng
Thật vậy, nhìn vào hoạt động kinh doanh HID nhiều năm liền cho thấy sự tăng trưởng tương đối vững mạnh. Doanh thu trung bình đạt mức tăng hơn 128% và con số này tại chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đạt đến 427%, tính trong giai đoạn 2013-2016.
Song, có một điểm đáng chú ý trong hoạt động kinh doanh của HID là cơ cấu doanh thu đã có sự dịch chuyển đáng kể. Cụ thể, nếu năm 2013 và 2014 nguồn thu chính của HID từ cung cấp dịch vụ (chiếm hơn 90% tổng doanh thu) thì năm 2015 và 2016, doanh tu từ cung cấp dịch vụ tư vấn thu hẹp đáng kể, thay vào đó là doanh thu từ bán vật tư (gạch, đá, cát…) chiếm tỷ trọng cao, đạt từ 80%.
Nguyên nhân hoạt động tư vấn của HID giai đoạn 2015-2016 không khả quan là do gặp phải lệnh cấm từ World Bank. Theo đó, Công ty đã điều chỉnh định hướng kinh doanh giai đoạn 2016-2025 sang đẩy mạnh thương mại, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong việc triển khai dự án PPP, nhằm bù đắp thiệt hại từ hoạt động này.
Quy mô và cơ cấu doanh thu HID giai đoạn 2013-2016
|
Riêng năm 2016, Công ty ghi nhận doanh thu và lãi ròng đều tăng trưởng hơn 70% so với năm 2015, lần lượt đạt 281 tỷ và 31 tỷ đồng. Một điểm đáng chú ý trong năm 2016 đó là Công ty xúc tiến đầu tư vào các công ty khác trong ngành nước như: Phú Minh, Khang Long, Đại Việt,… Tổng số tiền chi ra cho các thương vụ trên lên đến 74 tỷ đồng, tăng hơn 7.5 lần so với năm 2015.
Không chỉ con số ghi nhận tăng trưởng, hiệu suất kinh doanh tại HID 4 năm qua cũng tương đối khả quan, biên lãi ròng trung bình đâu đó đạt 11%, mặc dù Công ty có thay đổi chiến lược kinh doanh do bối cảnh.
Kết quả kinh doanh của HID giai đoạn 2013-2016 và dự kiến 2017
Đvt: Tỷ đồng
|
2017 tăng vốn khủng, kế hoạch kinh doanh lại khiêm tốn
Năm 2017, HID dự kiến đẩy mạnh đầu tư tại các dự án như Nhà máy Nước Thuận Thành (giai đoạn 2), Nhà máy nước Hưng Long, Khu sản xuất gạch Lương Sơn, các dự án BOT liên kết, ...
Được biết, tính đến ngày 31/03/2017, tổng xây dựng cơ bản dở dang của HID đạt hơn 200 tỷ đồng, trong đó:
- Hợp tác với Công ty Hưng Long nhằm đầu tư Nhà máy nước tại Hưng Yên. Vốn góp HID là 100 tỷ đồng, thời hạn 5 năm.
- Hợp tác đầu tư theo hình thức PPP tại Cần Thơ, vốn góp đạt 60 tỷ, thời hạn 3 năm.
- Công ty con là Thuận Thành góp hơn 40 tỷ với Green Capital Hà Nội đầu tư trung tâm chăm sóc sức khỏe Vĩnh Phúc, thời hạn 10 năm.
Chưa dừng lại, HID hiện cũng đang đầu tư hơn 153 tỷ đồng tài chính dài hạn, góp phần phát triển quy mô cũng như mạng lưới phân bổ. Trong đó, Công ty hiện góp hơn 8.5 tỷ vào Hồng Ngọc, 13 tỷ vào Khang Long, 10.7 tỷ vào Đại Việt và gần 11 tỷ đồng vào Công nghệ HIPT.
Một động thái mở rộng quy mô hoạt động, HID dự kiến phát hành thêm hơn 48 triệu cổ phiếu trong năm 2017, đã được cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ 2017, nhằm bổ sung vốn đầu tư.
Cụ thể, HID dự sẽ phát hành 948,198 cổ phiếu trả cổ tức 3%, và hơn 47.4 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá 10,000 đồng/cp theo tỷ lệ 2:3. Vốn thu được từ đợt phát hành dự kiến khoảng 483 tỷ đồng HID dùng để góp vốn vào CTCP Phong điện miền Trung (200 tỷ đồng), đầu tư dự án nước Nhơn Hội (20 tỷ đồng), đầu tư dự án BT đường 923 Cần Thơ (200 tỷ đồng), mua cổ phần CTCP Nước sạch Vĩnh Phúc (50 tỷ đồng), còn lại 13.45 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Như vậy, nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của HID sẽ tăng hơn 2.5 lần, từ mức 316 tỷ lên xấp xỉ 800 tỷ đồng.
Mặc dù huy động vốn khủng, đầu tư liên kết liên doanh ồ ạt, song Công ty lại đặt kế hoạch khá khiêm tốn với doanh thu đạt 300 tỷ, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 33 tỷ đồng, cùng tăng nhẹ 6.5% so với thực hiện năm 2016.
Có phải đó là nguyên nhân giá cổ phiếu trượt dài?
Trong khi Công ty đã và đang trên đà tăng trưởng tốt, giá trị cổ phiếu HID trên thị trường không những không phản ánh được mà còn có dấu hiệu đi thụt lùi, liên tục giảm sút chỉ trong thời gian ngắn.
Cụ thể, chào sàn vào ngày 11/07/2016, giá cổ phiếu HID 5 tháng kế tiếp gần như đi ngang, lượng giao dịch gần như không có.
Đến đầu tháng 12/2016, giá cổ phiếu HID đột ngột leo dốc, chỉ trong một tháng đã thăng hoa 158%, đạt đỉnh 32,500 đồng/cp tại phiên 22/12/2016. Tuy nhiên, mức tăng “nóng” này đã không giữ được lâu, giá cổ phiếu HID nhanh chóng lao mình xuống vực, đến nay mức giá chỉ còn quanh con số 4,000 đồng/cp.
Có điều là khối lượng giao dịch thời gian này cũng sôi động hơn hẳn, thậm chí có phiên đạt gần 6 triệu cổ phiếu (30/03/2017). Đến nay, mặc dù thị giá lẹt đẹt, song hoạt động mua bán tại HID vẫn rất nhộn nhịp, trung bình xấp xỉ 2 triệu cổ phiếu/phiên.
Giao dịch cổ phiếu HID từ lúc niêm yết đến nay
|
Như vậy, nhìn lại tổng thể câu chuyện tại HID cho thấy một nghịch lý giữa mức độ tăng trưởng và suy thoái thị giá trên thị trường. Phải chăng chính kế hoạch kinh doanh thận trọng cùng dự kiến phát hành tăng vốn khủng đã làm nhà đầu tư e ngại trong việc đầu tư vào cổ phiếu HID?
Trong con sóng tăng giá, một vài cổ đông lớn có giao dịch rút vốn, tuy nhiên số lượng không đáng kể, đâu đó vài chục ngàn cổ phiếu. Song, chỉ trong tháng 3 vừa qua, cổ đông lớn Phạm Thị Đào Anh và mẹ là Võ Thùy Dương liên tục mua vào - bán ra cổ phiếu HID. Trong đó, giao dịch gần đây nhất (04/04/2017), bà Dương đã bán gần 1.3 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu xuống còn vỏn vẹn 7 cổ phiếu. Ngoài ra, một số cổ đông nội bộ cũng thực hiện bán bớt vốn khỏi HID trong thời gian gần đây. |