Vietstock - Phó Thủ tướng: Chính phủ nói không với xin nâng trần nợ công
Sáng 16/11, tại phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Chính phủ nói không với việc xin nâng trần nợ công". Theo đó, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành nghị quyết về đẩy mạnh tái cơ cấu nợ công, cơ cấu lại thu, chi ngân sách Nhà nước, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn hiệu quả...
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ báo cáo thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý thu chi ngân sách, quản lý bảo đảm an toàn nợ công, bảo đảm vốn cho đầu tư phát triển...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Chính phủ nói không với việc xin nâng trần nợ công". Theo đó, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành nghị quyết về đẩy mạnh tái cơ cấu nợ công, cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn hiệu quả... Chính phủ cũng đã ban hành chương trình hành động thực hiện các chủ trương lớn về vấn đề này.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo thêm một số giải pháp Chính phủ đã, đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới như: Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài chính với chính sách tiền tệ; cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; hoàn thiện chính sách thu, tăng cường chống thất thu thuế, chống chuyển giá, chống xói mòn cơ sở thuế, điều chỉnh một số khoản thu nội địa, nuôi dưỡng nguồn thu để đảm bảo nguồn thu hợp lý, lâu dài...
Nợ công không xấu, đầu tư không hiệu quả là vô cùng xấu
Về hiệu quả đầu tư công, đồng tình với nhận định của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn rằng: “Nợ công không xấu, đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu, vì chúng ta phải trả nợ kép (tiền gốc và tiền lãi), bên cạnh đó phải trả bù lỗ doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, hiệu quả đầu tư công là vấn đề rất trọng tâm, nằm trong chương trình tái cơ cấu hiệu quả đầu tư công.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ, trách nhiệm quản lý Nhà nước thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Tài chính đang triển khai các nhiệm vụ, như: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chuyển từ cấp phát sang cho vay lại, rõ trách nhiệm hơn, hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ, phối hợp với kiểm soát chặt chẽ chi tiêu nợ công, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về nợ công.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua đã cơ cấu nợ công theo hướng tăng vay trong nước, giảm vay nước ngoài. Năm 2011 vay nước ngoài là 60%, vay trong nước là 40%, thì nay vay trong nước là 60%, vay nước ngoài 39%. Vay trong nước có kỳ hạn cao 2 lần, lãi suất giảm một nửa, danh mục trái phiếu tăng 6.7%/năm. Vay trong nước góp phần giảm nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.
Thái Hương