Vietstock - Tăng thuế ồ ạt, dân lãnh đủ
Bộ Tài chính vừa đưa ra đề xuất điều chỉnh hàng loạt sắc thuế trọng tâm liên quan đến doanh nghiệp và người dân.
Trong đó, giá thành nhiều mặt hàng, dịch vụ dự kiến sẽ phải tăng lên khi thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt tăng. Người dân mua hàng, sử dụng dịch vụ sẽ phải gánh chịu khoản thuế này.
Nhiều cảnh báo việc tăng thuế VAT là giải pháp thiếu bền vững, kéo theo tác động xấu đến các loại thuế khác, tạo hiệu ứng domino kéo giảm tăng trưởng của nền kinh tế.
Phần giảm không bù được tăng
Dự án luật sửa đổi, bổ sung năm luật thuế đã được Bộ Tài chính đưa ra giới thiệu vào giữa tháng 8 mới đây đã làm “nóng” dư luận vì tác động rất lớn đến người dân, doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế, đời sống xã hội.
Người dân, DN ủng hộ việc đề xuất giảm các khoản thuế như thu nhập cá nhân (TNCN), thu nhập DN và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng ảnh hưởng sức khỏe như bia rượu, nước giải khát và thuốc lá… Thế nhưng việc đề xuất tăng thuế VAT gặp nhiều phản ứng ngược lại.
Lý giải về đề xuất tăng thuế VAT, Bộ Tài chính viện dẫn kinh nghiệm quốc tế cũng làm vậy khi nợ công tăng cao. Khi nợ công tăng cao, các nước cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng thuế gián thu (thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt) để bù hụt thu từ giảm thuế thu nhập (thuế thu nhập DN, TNCN), ưu đãi thuế xuất nhập khẩu…
Tăng thuế VAT lợi bất cập hại khi sức mua giảm khiến DN gặp khó. Ảnh: QH |
“Quả bom” VAT ảnh hưởng nền kinh tế
Ông Châu Nhựt Trung, Giám đốc Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, đề nghị nhà làm chính sách ra đường gặp DN, người dân tìm hiểu cuộc sống, hoạt động sản xuất của họ trước khi có đề xuất tăng thuế này nọ.
Ông Trung cho rằng nếu tăng thuế VAT, người tiêu dùng mua sắm ít lại, DN bán cho ai. Cộng thêm chi phí đầu vào sản xuất của DN tăng lên, thuế VAT đầu vào tăng thêm 10% lên 12%. Trong khi để làm được thủ tục hoàn thuế chật vật khiến số vốn của DN đọng lại nhiều hơn. Doanh thu giảm, buộc DN phải giảm sản xuất, khi đó giảm lao động, số thuế nộp cho Nhà nước cũng giảm.
Việc tăng thuế VAT còn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN trong nước với DN nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, đây là chính sách thụt lùi đi ngược lại tất cả các nước trên thế giới khi họ đang cố gắng giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh cho hàng sản xuất trong nước. Như các nước Trung Đông họ đã giảm thuế VAT xuống 5%, Ấn Độ cũng đang ở mức 10%, dự kiến sẽ giảm xuống. Trong khi sản phẩm Việt Nam nếu tăng lên 12% thì coi như nhường lại thị trường xuất khẩu cho các nước.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng: Kéo giảm tăng trưởng kinh tế Chính phủ vừa yêu cầu các ngân hàng tăng trưởng tín dụng lên đến 21%-22%, như vậy Chính phủ nhận ra rằng muốn tăng trưởng kinh tế thì phải đẩy tín dụng ra. Điều đáng lo ngại là việc tăng thuế VAT đã tác động tiêu cực đến DN, DN giảm vay, giảm lượng tín dụng lại, ảnh hưởng đến GDP của Việt Nam. Tăng VAT loại thuế ảnh hưởng tới mỗi người dân, nó dẫn tới tác động dây chuyền, sức mua hàng hóa giảm thì DN rút lại quy trình sản xuất thì DN sẽ vay tiền ít hơn. Khi đó tác động rất lớn làm kéo giảm tăng trưởng kinh tế. |