Vietstock - Cầu Cần Giờ mở cơ hội đột phá vùng kinh tế phía đông
Cầu Cần Giờ hoàn thành sẽ mở đường cho mục tiêu phát triển huyện đảo phía đông TP.HCM này thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí tầm cỡ khu vực và quốc tế.
*Cầu Cần Giờ có thiết kế hình cây đước
Cầu Cần Giờ sẽ mở đường cho các nhà đầu tư khai phá tiềm năng du lịch lớn tại huyện đảo này.
Đào Ngọc Thạch
|
UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ. Theo đó, phương án được chọn là cầu dây văng 1 trụ tháp với ý tưởng kiến trúc cây cầu phác họa hình tượng cây đước - đặc trưng của huyện Cần Giờ, sử dụng lan can hình tượng sóng biển, các trụ đèn chiếu sáng tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu, đồng thời thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho cầu.
Gỡ "nút thắt" giao thông
Nằm cách trung tâm TP khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP.HCM có bốn bề là sông và biển, giống như hòn đảo biệt lập. Đây là vùng ngập mặn chiếm tới 56,7% diện tích toàn huyện tạo nên hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, phong phú về thực vật cũng như động vật, được UNESCO công nhận là “khu dự trữ sinh quyển” thế giới đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2004, Dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ được phê duyệt và khởi động vào cuối năm 2007 với tổng kinh phí đầu tư dự kiến ban đầu khoảng 8.470 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau gần 10 năm khởi động, dự án vẫn chỉ dừng lại ở bước chuẩn bị.
Các chuyên gia nhận định, giao thông là nút thắt lớn nhất khiến các nhà đầu tư e ngại, cản trở sự phát triển của du lịch cũng như kinh tế toàn khu vực này. Hiện phà Bình Khánh là tuyến độc đạo kết nối TP.HCM với huyện đảo Cần Giờ. Tuy nhiên từ nhiều năm nay, bến phà này đã phải thường xuyên đối mặt với tình trạng ùn tắc, xe xếp hàng dài chờ nhiều giờ mới qua được phà, đặc biệt vào các dịp lễ, tết.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Lien Bang Travelink cho biết khó khăn trong việc đi lại khiến các đoàn khách "sợ", dù đến TP.HCM nhưng họ thà chọn những điểm xa hơn như Vũng Tàu, các tỉnh miền Tây hơn là Cần Giờ. “Giữa thời tiết nắng nôi mà phải lên xuống xe liên tục để qua phà, rất bất tiện. Thời gian chờ phà cũng gây nhiều khó chịu, đặc biệt là vào những giờ cao điểm, xe xếp hàng dài như kẹt xe trong TP. Có 60 km mà mất cả hai tiếng đồng hồ di chuyển, ngốn hết thời gian vui chơi của khách. Từ phà Bình Khánh tới Vàm Sát tuy chỉ chạy một đường thẳng nhưng đường đã xuống cấp nhiều, gồ ghề, nhiều ổ gà, ổ voi" - ông phàn nàn.
Sau gần 3 năm đề xuất, trong đó có 2 năm chờ Chính phủ "gật đầu" đồng ý, TP.HCM đang rốt ráo đẩy nhanh tiến độ cầu Cần Giờ. Một cán bộ thuộc UBND TP cho biết sau khi đã "chốt" phương án thiết kế theo hình tượng cây đước, TP đang khẩn trương tiến hành các bước tiếp theo như đấu thầu chọn đơn vị thi công.
"Với tổng chiều dài tuyến đường khoảng 7,41 km, cầu Cần Giờ được xây dựng sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố và các khu vực lân cận, hình thành tuyến kết nối giao thông trực tiếp với khu vực ven biển phía nam thành phố. Từ đó tạo tiền đề cho Cần Giờ phát triển, đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của nhân dân địa phương" - vị này nói.
Người dân vui chơi ở bãi biển Cần Giờ.
An Huy
|
Đột phá vùng kinh tế phía đông
Thông tin từ Sở Du lịch TP.HCM cho biết hiện có rất nhiều dự án đầu tư vào Cần Giờ đã được UBND TP.HCM xét duyệt.
Cùng với việc thu hút đầu tư thêm nhiều dự án du lịch, chính quyền TP sẽ tập trung phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch theo hướng khai thác tối đa tiềm năng của Cần Giờ với sản phẩm đặc thù như thưởng thức hải sản tại chỗ, du thuyền, tham quan đảo khỉ, khu nuôi yến, rừng ngập mặn... Đồng thời sẽ tạo điều kiện đưa khách từ trung tâm TP đến Cần Giờ thông qua các tuyến xe miễn phí, đầu tư thêm cầu, phà riêng cho khách du lịch, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thêm trạm dừng chân lớn ở Cần Giờ...
Cũng tại Hội nghị “Đánh giá thành tựu phát triển kinh tế - xã hội qua 40 năm ngày huyện Duyên Hải (Cần Giờ) sáp nhập về TP.HCM” diễn ra cuối năm ngoái, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết du lịch Cần Giờ đã phát triển rất mạnh thời gian gần đây. Nếu như năm 2010 chỉ có 410.000 du khách thì đến năm 2018, số khách du lịch đến Cần Giờ đạt gần 2 triệu khách, tăng hơn 500%. Năm 2010 đạt doanh thu 123 tỉ đồng thì đến 2018 có doanh thu hơn 900 tỉ đồng, tăng hơn 700%. Nhưng so với tiềm năng, lợi thế của Cần Giờ thì kết quả trên vẫn chưa tương xứng.
"Vì vậy cần phải cụ thể hóa về tầm nhìn và lộ trình, tầm nhìn và khát vọng xây dựng Cần Giờ thành khu du lịch sinh thái tầm cỡ khu vực và thế giới. Đồng thời tập trung đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, cơ sở thương mại, dịch vụ, du lịch. Ngoài ra, cần có chính sách để thu hút nhà đầu tư tầm cỡ, tạo khác biệt cho Cần Giờ. “Để phát triển được du lịch, tạo được sự đột phá trong du lịch, cần có dự án lớn, cần phải có công trình lớn. Và công trình dự án đó phải xứng tầm, phải có điểm nhấn khác biệt”, bà Hoa nhấn mạnh.
Hà Mai