Vietstock - Nhiều “điểm nghẽn” kéo lùi năng suất lao động
Các chuyên gia tại tọa đàm "Nâng cao năng suất lao động - Nhân tố cốt lõi xây dựng năng lực cạnh tranh" do Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC), trường Đại học Ngoại thương tổ chức tại Hà Nội ngày 25/12 lo ngại, với khoảng 80% dân số trong độ tuổi lao động tham gia vào lực lượng lao động hàng năm, năng suất lao động thấp sẽ là một rào cản lớn cho nền kinh tế Việt Nam, khi thực hiện chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng theo chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu.
Năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.
|
Trong vài năm gần đây, tuy năng suất lao động của Việt Nam liên tục tăng, đã thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực nhưng vẫn còn khá thấp. Với chiến lược phù hợp trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tốc phát triển khoa học - công nghệ và nâng cao năng suất lao động, Việt Nam sẽ tránh được nguy cơ tụt hậu xa hơn, rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam với các quốc gia khác.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam có mức tăng năng suất lao động nhanh nhất ASEAN, song chênh lệch với các nước vẫn ngày càng nới rộng.
Tính theo giá so sánh, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2016 tăng 5,3% so với năm trước; năm 2017 tăng 6%; ước tính năm 2018 tăng 5,55%. Bình quân 3 năm 2016-2018, năng suất lao động tăng 5,62%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015.
Tuy năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện theo hướng tăng đều qua các năm nhưng theo PGS.TS. Vũ Minh Khương đến từ trường Đại học Quốc gia Singapore, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.
"Đặc biệt, một xu hướng đáng lo ngại là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng. Với tốc độ tăng năng suất như hiện nay, Việt Nam khó có thể duy trì được đà tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững và không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình", ông Khương lo ngại.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động của Việt Nam thấp. TS. Đào Ngọc Tiến, Giám đốc Trung tâm Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, trường Đại học Ngoại thương phân tích, "Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ sản xuất tại Việt Nam còn lạc hậu. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay chủ yếu là hoạt động sơ chế, gia công có hàm lượng giá trị tăng thêm, kết tinh trong sản phẩm rất thấp". Rõ ràng với quy trình công nghệ như vậy, Việt Nam đang là một trong những "công xưởng" của thế giới, nhưng là công xưởng thuộc loại nhỏ bé.
Bên cạnh đó, chất lượng lao động có sự chênh lệch rõ nhất giữa khu vực nông thôn và thành thị. Ở thành thị, lao động được đào tạo chiếm 36,3%, trong khi ở nông thôn chỉ có 12,6%. Đây chính là rào cản lớn cho việc cải thiện năng suất lao động.
Các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất "động lực" hay "huyết mạch" của nền kinh tế như tài chính, tín dụng còn chiếm tỷ trọng thấp trong nền kinh tế. "Tỷ trọng lao động đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm từ 55,1% xuống còn 44,0%, tương ứng với 23,5 triệu người đang làm việc trong khu vực này, nhưng đây vẫn là con số khá cao so với các nước trong khu vực".
"Phần lớn lao động làm việc ở lĩnh vực nông, lâm và thủy sản là lao động giản đơn, có tính thời vụ, việc làm không ổn định, nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến năng suất lao động thấp", ông Tiến nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, tiềm năng của Việt Nam còn rất lớn, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, song làm sao tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức, từ đó mới có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến.
Ông Yamaura Nobuyuki, Cố vấn trưởng VJCC cho rằng, "Cần chú trọng giải pháp nâng cao năng suất lao động cho khu vực doanh nghiệp, thông qua nâng cao năng lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong mỗi doanh nghiệp". Theo đó, tăng cường đầu tư hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp.
Quan trọng là, "Phát huy liên kết giữa Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp, để ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ vào sản xuất", ông Yamaura Nobuyuki nhấn mạnh.
Chính phủ cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại như đào tạo chuyên sâu, triển khai các mô hình thí điểm... Bên cạnh đó, từng bước nghiên cứu, đề xuất chiến lược phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, tỷ trọng giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Ánh Tuyết