Vietstock - Liệu Fed có thể chậm lại quá trình tăng lãi suất?
Nếu như hành động tăng lãi suất lần cuối cùng trong năm nay còn đang gây ra những nghi ngờ và ý kiến chia rẽ, thì lộ trình tăng lãi suất cho năm 2019 dường như nhận được sự đồng thuận nhiều hơn, không chỉ từ các nhà kinh tế mà cả giới đầu tư.
Kỳ vọng về một xác suất nhỏ nhoi
Mọi ánh mắt của giới đầu tư và các nhà kinh tế đều đang hướng về cuộc họp 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), với tâm lý chờ đợi liệu ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới này sẽ có quyết định tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm nay thêm 0.25% như những gì đã báo hiệu hay không, cũng như những gợi ý về chính sách cho năm 2019.
Trong khi quyết định tăng lãi suất trong tuần này sẽ là điều khó tránh khỏi, và cũng phù hợp với kỳ vọng rộng rãi hiện nay, thì vẫn còn một bộ phận trông chờ Fed có thể trì hoãn thêm thời gian, nhất là nhìn vào những diễn biến trong nền kinh tế và phản ứng của các thị trường gần đây. Lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt nhờ giá dầu giảm sâu, thị trường việc làm có dấu hiệu chậm lại và các thị trường tài sản lao dốc đều là những cơ sở ủng hộ, cũng như là lời cảnh báo cho Fed nên có thêm thời gian để xem xét và đánh giá lại tình hình.
Trong khi đó, từ Tổng thống Donald Trump đến giới kinh tế lẫn các nhà đầu tư kỳ cựu đều kêu gọi Fed nên cân nhắc việc chậm lại quá trình tăng lãi suất, khi lo ngại chính sách thắt chặt quá nhanh có thể dẫn đến những sai lầm không lường trước và kéo nền kinh tế quay trở lại thời kỳ suy thoái, thậm chí ông Trump còn thẳng thừng chỉ trích Fed đang quá sai lầm.
Dĩ nhiên Fed có thể luôn muốn bảo vệ và thể hiện sự độc lập truyền thống của mình trước những yêu cầu hay đả kích của Tổng thống, nhưng rõ ràng những lời cảnh báo của giới kinh tế và các nhà đầu tư lão luyện là không thể xem thường và bỏ ngoài tai. Những nhà đầu tư có ảnh hưởng lớn hơn từ Stanley Druckenmiller đến Jeffrey Gundlach cũng đã kêu gọi Fed nên tạm thời sử dụng phương pháp “chờ xem thêm” và không nên tăng lãi suất trong tuần này.
Ngoài ra, nhiều người cũng cho rằng một trong những yếu tố có thể tác động lên quyết định trì hoãn tăng lãi suất của Fed chính là sự suy yếu của thị trường chứng khoán Mỹ. Thử nhìn vào diễn biến gần đây, chỉ trong vòng 2 ngày vừa qua chỉ số Dow Jones đã bốc hơi hơn 1,000 điểm, các chỉ số S&P 500 hay Nasdaq đã lập đáy mới trong năm nay khi rớt xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm qua. Còn bi kịch nào hơn thế nữa?
Tổng thống Trump trước đây luôn tự hào rằng trong khi thị trường chứng khoán Trung Quốc chìm sâu vì tác động cuộc thương chiến Mỹ - Trung mà chứng khoán Mỹ vẫn tăng tốt và lập nhiều kỷ lục, thì giờ đây có lẽ ông ắt hẳn phải đang ngậm ngùi và tự hỏi đã có sai lầm gì xảy ra trong thời gian qua?
Theo cập nhật mới nhất từ công cụ FedWatch Tool của CME tính đến ngày 18/12, xác suất tăng lãi suất đã giảm xuống còn 68%, trong khi cách đó 1 ngày là 75.8%. Ngược lại, xác suất giữ nguyên lãi suất như hiện nay đã tăng từ 24.2% lên 32%. Cần biết rằng trong 3 đợt tăng lãi suất đã diễn ra vào 9 tháng đầu năm nay, xác suất tăng luôn ở mức rất cao trên 90%, do đó với xác suất tăng chỉ ở mức 68% trong cuộc họp lần này cho thấy khá nhiều người đang phân vân và kỳ vọng Fed có thể sẽ không tăng lãi suất như dự báo.
Khó có 3 lần tăng trong năm 2019 như dự kiến?
Nếu như hành động tăng lãi suất lần cuối cùng trong năm nay còn đang gây ra những nghi ngờ và ý kiến chia rẽ, thì lộ trình tăng lãi suất cho năm 2019 dường như nhận được sự đồng thuận nhiều hơn, không chỉ từ các nhà kinh tế mà cả giới đầu tư. Theo đó, đa số quan điểm cho rằng Fed khó lòng duy trì lộ trình tăng thêm lãi suất 3 lần trong năm 2019 như đã đề cập trước đó. Thực tế là thị trường cũng chưa bao giờ chấp nhận hoàn toàn khả năng 3 lần tăng lãi suất trong năm 2019 của cơ quan này.
Đáng lưu ý là kể từ ngày 08/11 đến giữa tuần trước, lợi suất của hợp đồng lãi suất tương lai tháng 01/2020 – thể hiện khá sát mức lãi suất kỳ vọng thời điểm cuối năm 2019, đã giảm sâu 44 điểm cơ bản xuống chỉ còn 2.515%, chỉ cao hơn 0.265% vùng lãi suất hiện tại, cho thấy các nhà giao dịch dự đoán sẽ chỉ có thêm 1 lần tăng lãi suất nữa từ giờ cho đến cuối năm 2019. Và do đó, nếu như Fed tăng lãi suất trong cuộc họp lần này thì năm 2019 khó có thể tăng thêm lần nào khác, còn nếu như lần này trì hoãn thì năm 2019 có thể tăng thêm 1 lần.
Ngoài ra, lợi suất trên thị trường trái phiếu Mỹ cũng liên tiếp giảm trở lại gần đây, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài có lúc giảm về thấp hơn kỳ hạn ngắn, cho thấy triển vọng lãi suất tăng mạnh trong thời gian tới đã giảm xuống đáng kể. Việc lợi suất dài giảm mạnh cũng đã gây ra nỗi lo sợ về dấu hiệu suy thoái sắp đến, khi đường cong lợi suất nghịch xuất hiện trở lại lần đầu tiên kể từ năm 2007, thời điểm nền kinh tế đang bắt đầu lâm vào khủng hoảng và tình trạng suy thoái trong nền kinh tế, tức tăng trưởng kinh tế âm, đã diễn ra từ tháng 9/2008 kéo dài cho đến tháng 12/2009, với tăng trưởng GDP rớt xuống mức âm cao nhất ở -4.06% vào tháng 6/2009.
Rõ ràng câu chuyện suy thoái kinh tế và những ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khó có thể xem thường trong bối cảnh đầy rủi ro như hiện nay. Fed ắt hẳn không muốn phải sớm đối diện trở lại với một cuộc khủng hoảng khác mà rồi cứ phải bơm tiền ứng cứu cho nền kinh tế để phục hồi, khi mà cơ quan này cũng chỉ mới bắt đầu thu hẹp cung tiền và kết thúc chương trình mua tài sản trong vòng 1 năm trở lại đây. Trong tình cảnh mà bảng cân đối kế toán của Fed còn chưa cắt giảm theo như kế hoạch, thì Fed rõ ràng cũng không muốn các con số tài khoản lại phình to trở lại để giải quyết một cuộc khủng hoảng và suy thoái khác có thể lại xảy ra.
Kể từ ngày 08/11 đến giữa tuần trước, lợi suất của hợp đồng lãi suất tương lai tháng 01/2020 – thể hiện khá sát mức lãi suất kỳ vọng thời điểm cuối năm 2019, đã giảm sâu 44 điểm cơ bản xuống chỉ còn 2.515%, chỉ cao hơn 0.265% vùng lãi suất hiện tại, cho thấy các nhà giao dịch dự đoán sẽ chỉ có thêm 1 lần tăng lãi suất nữa từ giờ cho đến cuối năm 2019. |
Phan Thụy