Tính đến ngày 30/9/2022, Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR (HN:BSR)) ghi nhận hơn 26.500 tỷ đồng tiền mặt đang gửi tại các nhà băng; các khoản tiền gửi này đã đem về cho doanh nghiệp 610 tỷ đồng lãi kể từ đầu năm CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã BSR - UpCOM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với kết quả kinh doanh đi xuống mạnh mẽ so với quý trước đó.
Quý này, BSR ghi nhận tổng doanh thu đạt gần 39.600 tỷ đồng - tăng 124% so với mức gần 17.700 tỷ trong quý 3/2021; tỷ lệ tăng giá vốn bán hàng cao hơn cùng kỳ với ghi nhận mức 38.913 tỷ nên sau cùng tập đoàn thu về 654 tỷ đồng lợi nhuận gộp - tương đương cùng kỳ năm 2021. Biên lãi gộp quý này giảm mạnh về còn 1,6%.
Tính chung trong 5 quý gần nhất, doanh thu của Lọc Hóa dầu Bình Sơn dù vẫn ở mức cao trong quý 3 vừa qua song đã giảm mạnh gần 25% so với mức đỉnh quý trước đó; lợi nhuận gộp cũng lao mạnh tới 94% so với quý 2/2022 dẫn đến biên lãi gộp của công ty rơi về mức thấp nhất kể từ quý 2/2020.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của BSR tiếp tục ghi nhận mức cao với hơn 345 tỷ đồng - tăng 19% YoY.
Cùng chiều, chi phí tài chính cũng tăng mạnh từ mức 147 tỷ đồng hồi quý 3/2021 lên 238 tỷ đồng (song chi phí lãi vay giảm tới 59% còn hơn 42 tỷ); chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên mức gần 95 tỷ đồng trong khi chi phí bán hàng giảm còn 156 tỷ.
Khấu trừ các khoản thuế phí, Lọc Hóa dầu Bình Sơn thu về vòn vẹn 514 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - tăng nhẹ so với mức 500 tỷ trong quý 3 năm ngoái song đã giảm tới 95% so với quý liền trước. Đồng pha, lãi sau thuế của doanh nghiệp cũng giảm mạnh về mức 478 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, công ty ghi nhận tổng doanh thu hơn 126.700 tỷ đồng - gấp đôi so với mức 66.600 tỷ trong cùng thời điểm năm 2021; lợi nhuận trước và sau thuế đạt lần lượt 13.678 tỷ đồng và 12.900 tỷ đồng - tăng 234% và 222% so với cùng kỳ.
Cơ cấu doanh thu bán hàng của BSR 9 tháng năm 2022
Được biết năm 2022, BSR đặt mục tiêu doanh thu tổng 91.677 tỷ đồng và 1.295 tỷ lợi nhuận sau thuế. Như vậy sau 3 quý, công ty đã vượt 38% kế hoạch doanh thu cả năm và thực hiện gấp gần 10 lần chỉ tiêu lãi sau thuế cả năm.
Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của BSR ghi nhận ở mức 74.243 tỷ đồng - tăng hơn 7.400 tỷ so với đầu năm. Trong số này, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn ở mức 13.300 tỷ đồng; lượng tiền mặt và tương đương tăng khoảng 2.800 tỷ đồng lên mức 19.140 tỷ; các khoản đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng tới 76% lên mức 7.384 tỷ đồng (đây là các khoản tiền gửi lãi suất ngắn hạn tại ngân hàng có kỳ hạn từ 3 - 12 tháng).
Như vậy tính đến ngày 30/9/2022, Lọc Hóa dầu Bình Sơn đang có tổng cộng hơn 26.500 tỷ đồng tiền mặt đang gửi tại các nhà băng. Theo đó, các khoản tiền gửi này đã đem về cho doanh nghiệp 610 tỷ đồng tiền lãi kể từ đầu năm qua đó đóng góp tới 60% vào tổng doanh thu tài chính 9 tháng.
Đáng chú ý, giá trị hàng tồn kho của BSR tăng mạnh tới 4.100 tỷ đồng so với đầu năm lên mức 14.480 tỷ đồng thời khoản trích lập dự phòng giảm giá cũng tăng phi mã từ 18,5 tỷ lên mức 656 tỷ đồng - gấp tới 35,5 lần thời điểm đầu năm.
Đến cuối quý, nợ phải trả của Lọc Hóa dầu Bình Sơn giảm hơn 4.400 tỷ về mức 24.800 tỷ đồng. Khoản vay nợ cao trong đó có hơn 3.850 tỷ đồng vay ngắn hạn khiến công ty phải chịu khoản chi phí lãi vay hơn 200 tỷ đồng sau 9 tháng.
Nhờ dấu kinh doanh ấn đậm nét trong quý 2 nên sau 3 quý năm 2022, vốn chủ sở hữu của công ty tăng tới 31% so với đầu năm lên hơn 49.400 tỷ đồng trong đó có gần 12.900 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Trên thị trường chứng khoán, không còn pha leo dốc mạnh mẽ như hồi cuối quý 2, cổ phiếu BSR bắt đầu lao dốc từ mức 32.700 đồng (phiên 17/6) và hiện chỉ còn 17.600 đồng (kết phiên sáng ngày 27/10) - tương ứng mức giảm gần 46%.
Cổ phiếu BSR hiện đã rơi khỏi đáy ngắn hạn hồi đầu tháng 5/2022 và đang có động thái tích lũy tại ngưỡng này
Xem thêm các bài viết liên quan đến #Kết quả kinh doanh quý 3/2022 #báo cáo tài chính #kết quả kinh doanh #lợi nhuận sau thuế