Vietstock - Vì sao chứng khoán Mỹ leo dốc, còn chứng khoán Trung Quốc lại suy giảm?
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đang leo dốc (Dow Jones vừa lập kỷ lục mới trong tuần này), trong khi chứng khoán Trung Quốc liên tục lao dốc. Dường như, chứng khoán Mỹ đang chống chịu tác động từ cuộc chiến thương mại tốt hơn so với Trung Quốc.
Một lý do giải thích cho tình trạng trên là do thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các hàng hóa (ngoài năng lượng), theo một nghiên cứu của Axioma trong tháng 8/2018.
“Cuộc xung đột thuế quan khiến Trung Quốc dễ bị tác động trước những sự thay đổi về giá hàng hóa (ngoài năng lượng), và đà giảm gần đây của những hafg hóa này đang đè nặng lên thị trường Trung Quốc”, Diana R. Rudean, Giám đốc nghiên cứu tại Axioma, cho hay.
Những chuyển biến trên thị trường hàng hóa là những chỉ báo sớm về tình hình sức khỏe kinh tế và dòng chảy thương mại toàn cầu và cực kỳ liên quan tới xung đột thương mại hiện nay khi Trung Quốc tiêu thụ phần lớn nguyên liệu thô trên thế giới.
Các chỉ số chứng khoán Trung Quốc ghi nhận mức giảm mạnh, trong đó mức độ biến động của thị trường ngày càng tăng. Trong khi đó, chứng khoán Mỹ liên tục leo dốc và mức độ biến động thì ngày càng giảm.
“Thật lòng mà nói, Mỹ – ít nhất là thị trường cổ phiếu Mỹ – dường như đã ngó lơ ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại”, Rudean nói thêm trong báo cáo.
Đặt lên bàn cân so sánh, chỉ số Russell 1000 của Mỹ đã tăng 10% trong năm 2018, trong khi chỉ số CSI 300 của Trung Quốc – một chỉ số theo dõi 300 cổ phiếu trên sàn Thượng Hải và Thâm Quyến – đang giảm 15% trong cùng kỳ.
Trên thực tế, độ nhạy của chỉ số Russell 1000 với chỉ số GSCI Non-Energy Index đã thuyên giảm kể từ năm 2010, qua đó cho thấy sự thay đổi về giá hàng hóa có mức độ ảnh hưởng ngày càng giảm tới thị trường Mỹ, Rudean cho hay.
Trong khi đó, Axioma nhận thấy, độ nhạy của chỉ số CSI 300 với hàng hóa không ngừng biến động.
Giá hàng hóa (ngoài năng lượng) đã bắt đầu suy giảm sau khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới leo thang trong tháng 6/2018. Chỉ số GSCI Non-Energy Index đã giảm 4.5% trong năm 2018.
Việc thị trường Mỹ ít nhạy hơn với các hàng hóa (trừ năng lượng) có thể là vì các lý do như việc nới lỏng quy định, các đợt cắt giảm thuế và các chính sách bảo hộ thương mại như hàng rào thuế quan. Chính những điều này đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Những yếu tố này có lẽ đã làm giảm độ tương quan giữa chứng khoán Mỹ và hàng hóa toàn cầu (ngoại trừ năng lượng), Rudean trao đổi với CNBC.
“Bên cạnh đó, khi thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh sau tháng 11/2016 (thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ), dòng vốn có lẽ đã dịch chuyển sang những cổ phiếu ít tương quan tới thị trường hàng hóa. Chẳng hạn, nhóm cổ phiếu công nghệ dần đóng góp phần lớn hơn trong chỉ số Russell 1000, và độ nhạy thấp hơn với hàng hóa của nhóm này có lẽ đã làm giảm độ nhạy của chỉ số Russell 1000 với hàng hóa”, cô nói thêm.
Vũ Hạo (Theo CNBC)