Vietstock - Tỷ giá 'phập phồng' theo nhân dân tệ
Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc liên tục mất giá, tỷ giá trong nước cũng biến động mạnh khiến nhiều người lo ngại.
Nhân dân tệ giảm giá mạnh so với USD trên thị trường thế giới. Ảnh: AFP
|
Ngày 23.7, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) đột ngột tăng giá bán USD thêm 223 đồng, lên 23.273 đồng/USD, tương ứng 0,96%. Ngay lập tức, các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng giá USD thêm 150 - 170 đồng. Eximbank điều chỉnh tỷ giá tới 37 lần. Giá mua USD của các NHTM như Eximbank, Vietcombank... ở mức 23.160 - 23.180 đồng/USD, giá bán ở mức 23.250 - 23.270 đồng/USD. Cùng ngày NHNN đã giảm tỷ giá trung tâm 16 đồng, còn 22.644 đồng/USD. Hôm qua, trên thị trường ngoại hối quốc tế, 6,74 - 6,78 - 6,8 CNY đổi được 1 USD. Tại Eximbank, giá CNY cũng biến động liên tục trong khoảng 3.448 - 3.472 đồng/CNY, giảm 1,75% so với đầu năm.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, thị trường ngoại hối rất nhạy cảm và phản ứng nhanh hơn các thị trường khác. Việc CNY mất giá quá mạnh, tới 5% trong 3 tháng gần đây để đối phó cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chắc chắn có ảnh hưởng đến thị trường VN vì cả Mỹ hay Trung Quốc đều là thị trường lớn của chúng ta. Với Trung Quốc, CNY mất giá sẽ làm cho hàng hóa nước này rẻ hơn, từ đó nhập vào VN nhiều hơn, làm tăng nhập siêu. Nhưng phá giá tiền đồng (VND) sẽ ảnh hưởng đến lạm phát vì hàng Trung Quốc và nợ công tính theo VND đều tăng lên.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng cho rằng không nên phá giá VND theo sự mất giá của CNY bởi hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ gấp 4 lần hàng Mỹ vào Trung Quốc. Nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ cao, chiếm 80% trong khi tại Trung Quốc không vượt quá 50% nên họ mong muốn xuất hàng đi nước ngoài là chính. Từ trước đến nay, việc phá giá VND là để hỗ trợ cho xuất khẩu hàng hóa trong nước, mà VN gần như là gia công. Vì vậy việc phá giá tiền đồng sẽ không mang lại nhiều lợi ích.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Cafatex, phân tích khi CNY giảm giá, đồng nghĩa với hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ đắt hơn trước. “VN vẫn luôn bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nhiều hàng hóa nguyên phụ liệu nếu không được giảm giá thì cũng phải cắn răng mua vì chưa chắc ở chỗ khác lại rẻ hơn”, ông Kịch nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Thái Sơn, cho biết việc CNY giảm giá không đơn giản là doanh nghiệp trong nước mua nguyên vật liệu sẽ có lời. Đặc biệt đối với ngành nhựa VN, 70 - 80% nguyên liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc nên biến động tỷ giá ngoại tệ, bao gồm cả CNY hay USD đều tác động đến chi phí doanh nghiệp.
Liên quan đến việc điều chỉnh tăng giá bán USD, ngày 23.7, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN VN, cho biết: NHNN sẵn sàng can thiệp tại tỷ giá 23.050 đồng/USD đã bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường. Bên cạnh đó, NHNN cũng áp dụng các biện pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác để ổn định thị trường, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Trên thực tế, khi thị trường ngoại tệ có thiếu hụt cục bộ về ngoại tệ và chịu áp lực từ yếu tố tâm lý, kỳ vọng, việc can thiệp ngoại tệ của NHNN đã bổ sung một lượng ngoại tệ nhất định cho thị trường, giúp khả năng cung ứng ngoại tệ cho khách hàng của tổ chức tín dụng tốt hơn. Do đó, ngày 23.7, NHNN niêm yết tỷ giá bán ngoại tệ ở mức 23.273 đồng/USD để tỷ giá thị trường diễn biến phù hợp hơn với tình hình thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ thị trường tại mức tỷ giá hợp lý. Thanh Xuân |
Thanh Xuân - Mai Phương