Vietstock - Xuất khẩu 2022: Kỳ vọng bước chuyển mới
Hàng loạt lô hàng lớn của nhiều ngành nghề đã được các doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu đi các nước trước và ngay trong những ngày Tết Nguyên đán, báo hiệu một năm nhiều tin vui cho xuất khẩu.
Dồn dập tin vui đầu năm
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nhiều xe container chở chuối, thanh long,… đã được các doanh nghiệp liên tục làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc từ mùng 3 Tết. Đây là tin vui cho ngành rau quả Việt Nam trong những ngày đầu năm trong bối cảnh chỉ ít ngày trước đó, phía Trung Quốc thông báo sẽ nghỉ Tết dài ngày và thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt việc chống dịch khiến hàng nghìn xe chở hàng bị ùn tắc.
Việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc được nối lại đem đến kỳ vọng rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Lý do là Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 53,7% thị phần xuất khẩu trong năm 2021.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, dù có lượng xuất khẩu lớn nhưng rau củ quả của Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức rất lớn. Dù lượng xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng về lượng nhưng giảm về giá trị so với năm trước. Cùng đó, các yêu cầu về an toàn thực phẩm mà Trung Quốc áp đặt lên hàng hóa từ các nước xuất vào nước này ngày càng cao. Bên cạnh đó các quy định về xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc đặt ra cũng ngày càng nhiều hơn. Dự báo, năm nay, nếu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được giữ vững thì mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 3,8-4 tỷ USD có thể thành hiện thực.
Cũng trong những ngày đầu năm 2022, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, đã làm thủ tục xuất 11.111 tấn gạo lứt cho đối tác Hàn Quốc. Với ngành Dệt may, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đón tin vui với hàng loạt đơn hàng có giá trị gia tăng cao như: đồ veston, đồng phục công sở, đồ bảo hộ lao động… xuất khẩu đi Mỹ. Hiện tại, công ty đã ký kết các hợp đồng để sản xuất đến hết quý 2/2022.
Với ngành Thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản năm 2021 về đích với kết quả ước tính kim ngạch đạt gần 9 tỷ USD được coi là kỳ tích trong bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Đặc biệt, xuất khẩu tôm đã vươn lên trở thành mặt hàng có thế mạnh nhất của Việt Nam với hơn 3,8 tỷ, chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch thủy sản xuất khẩu.
Theo ông Hòe, nếu các doanh nghiệp tận dụng tốt việc tăng nhu cầu trên thế giới để tăng thêm thị phần, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng, thuỷ sản Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục tạo được dấu ấn lớn.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ước tính tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng đầu tiên của năm 2022 đã có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Giải quyết nhiều bài toán lớn về xuất khẩu
Trao đổi với PV Tiền Phong, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2021, GDP đạt 2,58%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, trong đó xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục tăng trên 19% là dấu ấn, điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Theo ông Diên, năm 2021, chúng ta đã có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu “tỷ USD”, tăng 1 mặt hàng so với năm 2020, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực của tăng trưởng khi chiếm tới hơn 86% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước… Bên cạnh đó, với lĩnh vực nông sản xuất khẩu, dù chiếm chưa tới 10% trị giá xuất khẩu của toàn nền kinh tế, song, nông nghiệp lại là lĩnh vực đem đến những “động lực mới” cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2021.
“Có được những kết quả trên chính là nhờ chúng ta đã khai thác tốt các thị trường nước ngoài, đưa hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là các hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA”, ông Diên cho hay.
Cũng theo ông Diên, xuất nhập khẩu đang đối mặt và phải giải quyết 5 vấn đề lớn. Theo đó, xuất khẩu vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững, quy mô xuất khẩu tăng cao, nhưng giá trị gia tăng còn thấp; nhiều ngành hàng còn xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế và phải nhập khẩu thành phẩm đã qua chế biến. Đặc biệt, tỷ trọng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước ngoài trong tổng xuất khẩu còn thấp.
Phạm Tuyên