💼 Bảo vệ danh mục của bạn với công cụ chọn cổ phiếu có AI hỗ trợ của InvestingPro – HIỆN GIẢM tới 50% NHẬN ƯU ĐÃI

Xu hướng chuyển dịch trong dòng tiền gửi của ngân hàng

Ngày đăng 20:00 08/08/2021
Xu hướng chuyển dịch trong dòng tiền gửi của ngân hàng
TCB
-

Vietstock - Xu hướng chuyển dịch trong dòng tiền gửi của ngân hàng

Tỷ trọng tiền gửi của các tổ chức kinh tế đang ngày càng gia tăng đáng kể trong tổng số dư huy động vốn tại các ngân hàng. Cụ thể cách đây năm năm, tỷ trọng tiền gửi của nhóm khách hàng này chỉ chiếm xấp xỉ 40%, nhưng nay đã lên gần 49%, gần với số dư huy động vốn từ khách hàng cá nhân, đặc biệt tỷ lệ này đã tăng khá nhanh trong hơn hai năm trở lại đây.

Tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng đột biến từ cuối năm 2020

Theo số liệu cập nhật mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiền gửi của các tổ chức kinh tế đến cuối tháng 5-2021 vừa qua là 5.036.951 tỉ đồng, tăng 3,26% so với đầu năm, trong khi tiền gửi của dân cư là 5.275.730 tỉ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm. Việc tăng trưởng tiền gửi của tổ chức kinh tế trong tháng 5 bất ngờ vọt lên cao hơn tăng trưởng tiền gửi của dân cư cũng như tổng mức tăng trưởng tiền gửi chung của toàn ngành ngân hàng (tăng 2,92% so đầu năm) là khá thú vị, vì trước đó, trong bốn tháng đầu năm luôn duy trì thấp hơn.

Theo một số ý kiến, diễn biến này là tất yếu khi tình trạng dịch bệnh bùng phát mạnh từ đầu tháng 5 tại các đầu tàu kinh tế lớn đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng, dẫn đến nguồn vốn nhàn rỗi bị đọng lại nằm tại các ngân hàng. Ở chiều ngược lại, rủi ro dịch bệnh cùng với nhu cầu tích trữ không chỉ là thực phẩm mà còn cả tiền mặt, đã ảnh hưởng lên số dư tiền gửi của khách hàng cá nhân.

Đáng lưu ý là nếu so với cùng kỳ tháng 5 năm trước, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh đến 26,77%, trong khi tiền gửi của dân cư chỉ tăng vỏn vẹn 5,03%, còn tổng mức tăng trưởng chung là 14,63%. Dù bốn tháng đầu năm nay tăng thấp, nhưng tiền gửi của tổ chức kinh tế so với cùng kỳ tăng vọt như thế chủ yếu nhờ vào mức tăng đáng kể vào những tháng cuối năm 2020, đặc biệt là tháng 12-2020 với mức tăng đột biến 6,55% so với tháng trước đó và tăng đến 23,1% so với cuối năm 2019.

Tỷ trọng tiền gửi của các tổ chức kinh tế đang ngày càng gia tăng đáng kể trong tổng số dư huy động vốn tại các ngân hàng. Cụ thể cách đây năm năm, tỷ trọng tiền gửi của nhóm khách hàng này chỉ chiếm xấp xỉ 40%, nhưng nay đã lên gần 49%, gần với số dư huy động vốn từ khách hàng cá nhân, đặc biệt tỷ lệ này đã tăng khá nhanh trong hơn hai năm trở lại đây.

Điều này cho thấy đại dịch Covid-19 trong hơn một năm qua chỉ là một trong vài yếu tố tác động lên xu hướng chuyển dịch trong dòng tiền gửi của các ngân hàng, với lượng tiền gửi từ nhóm khách hàng doanh nghiệp đang ngày càng đóng vai trò quan trọng và cốt lõi trong hoạt động của nhiều ngân hàng. Vậy liệu còn có động lực nào dẫn dắt xu hướng này?

Do dịch bệnh và sự phát triển của thị trường vốn

Ngoài lý do dịch bệnh như đã nói ở trên, tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp tăng nhanh tại các ngân hàng còn đến từ việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ trong hơn hai năm trở lại đây. Cụ thể thời gian qua khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, các ngân hàng thường đứng ra nhận phân phối lượng trái phiếu này bằng cách chào mời chính khách hàng gửi tiết kiệm của mình mua trái phiếu.

Hệ quả là một lượng lớn tiền gửi tiết kiệm của khách hàng cá nhân đã chảy sang nằm ở trái phiếu doanh nghiệp, khiến tăng trưởng huy động vốn từ khách hàng cá nhân phần nào bị hạn chế. Ngược lại, các doanh nghiệp khi huy động được lượng vốn lớn từ trái phiếu nhưng chưa có nhu cầu sử dụng hết, thường sẽ giữ lại ở các tài khoản cũng đang mở tại ngân hàng.

Thứ hai là với mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm xuống quá thấp thời gian qua, nhiều người đã rút tiền tiết kiệm chuyển sang đầu tư chứng khoán, xu hướng thấy khá rõ trong hơn một năm trở lại đây với số lượng tài khoản chứng khoán mở mới hàng tháng liên tục lập kỷ lục. Theo đó, một lượng lớn vốn nằm chờ sẵn tại các tài khoản chứng khoán để tìm kiếm cơ hội đầu tư, ngay cả khi thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh.

Theo số liệu từ các công ty chứng khoán, vào cuối quí 2-2021, số dư tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán vào khoảng 86.000 tỉ đồng, tăng khoảng 21.000 tỉ đồng so với quí trước và đây là con số kỷ lục trong lịch sử. Trong đó, chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân. Dĩ nhiên, các công ty chứng khoán không phải để lượng vốn này nằm “chết” dưới dạng tiền mặt, mà sẽ để tại các tài khoản thanh toán ở ngân hàng.

Việc thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua cũng giúp nhiều doanh nghiệp tăng vốn điều lệ thành công, qua việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng như các nhà đầu tư mới. Với lượng vốn huy động được, nếu doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng, đầu tư hết, tất yếu cũng sẽ gửi tại ngân hàng. Nói cách khác, với định hướng đẩy mạnh phát triển các thị trường vốn như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, dòng vốn tại các ngân hàng cũng đang có xu hướng dịch chuyển từ tiền gửi của cá nhân sang tiền gửi của doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc các ngân hàng phát triển mảng bancassurance (bán bảo hiểm cho công ty bảo hiểm) thời gian qua, lôi kéo khách hàng tiết kiệm, vay vốn mua bảo hiểm, cũng góp phần thúc đẩy dòng vốn từ các cá nhân sang các công ty bảo hiểm và tiếp đó các công ty bảo hiểm cũng có thể gửi tiền tại ngân hàng do lãi suất huy động vẫn đang cao hơn lãi suất trái phiếu chính phủ.

Ảnh hưởng thế nào lên các ngân hàng?

Ngoài lý do tiền gửi khách hàng cá nhân giảm, tiền gửi khách hàng doanh nghiệp tăng do… dịch Covid-19, với định hướng đẩy mạnh phát triển các thị trường vốn như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, dòng vốn tại các ngân hàng cũng đang có xu hướng dịch chuyển từ tiền gửi của cá nhân sang tiền gửi của doanh nghiệp.

Tiền gửi của khách hàng doanh nghiệp nằm tại các ngân hàng thường dưới dạng các tài khoản thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi ký quỹ, do đó việc nguồn vốn huy động từ khách hàng doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp tỷ lệ nguồn vốn không kỳ hạn (CASA) của nhiều ngân hàng tăng lên đáng kể trong thời gian qua.

Với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn chỉ từ 0-0,2%/năm như hiện nay, các ngân hàng có nguồn CASA dồi dào sẽ kéo được chi phí vốn bình quân đầu vào xuống thấp, mang lại lợi thế cạnh tranh so với các ngân hàng khác.

Như trường hợp của Techcombank (HM:TCB) - ngân hàng đã rất thành công với mảng trái phiếu doanh nghiệp trong hai năm qua, tỷ lệ CASA của ngân hàng này đã đạt mức kỷ lục hơn 46% vào cuối tháng 6-2021. Đáng lưu ý là số dư tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng này tăng vọt 55,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp tăng lần lượt 56,9% và 52,3%.

Việc Techcombank miễn, giảm các loại phí tiền gửi, chuyển tiền đã đóng góp vào thành công này. Techcombank đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa tỷ lệ CASA lên khoảng 55%, có lẽ dựa trên chiến lược đẩy mạnh kênh đại lý ngân hàng. Theo đó, ngân hàng này cũng đang có chi phí vốn đầu vào gần như thấp nhất hệ thống hiện nay, do đó cũng đang có hệ số biên lãi ròng (NIM) cao nhất.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến việc các ngân hàng tăng mạnh tiền gửi khách hàng doanh nghiệp từ dịch vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp. Cụ thể trong trường hợp nếu như ngân hàng không phân phối hết lượng trái phiếu của doan nghiệp, các ngân hàng có thể bao tiêu lượng trái phiếu còn lại. Theo đó, một lượng vốn của ngân hàng sẽ trở thành vốn tài trợ cho doanh nghiệp, rồi doanh nghiệp lại đem chính lượng vốn đó gửi ở ngân hàng khi chưa có nhu cầu sử dụng.

Điều này khiến cho nguồn vốn huy động đó của ngân hàng thiếu thực chất do bị khuếch đại lên. Nếu như ngân hàng cứ xoay vòng nguồn vốn này, cứ mua trái phiếu doanh nghiệp rồi doanh nghiệp đem vốn huy động được gửi lại ngân hàng, về lâu dài không chỉ làm tăng rủi ro tín dụng mà rủi ro thanh khoản cũng sẽ dần gia tăng ngoài tầm kiểm soát.

Thụy Lê

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.