Vietstock - Xét xử đại án tại BIDV (HM:BID): Ông Trần Bắc Hà ký văn bản chỉ định cho vay sai quy định
Xét xử đại án tại BIDV: Các bị cáo khai do có văn bản chỉ định và áp lực từ ông Trần Bắc Hà nên đã cho Công ty Trung Dũng do Đoàn Hồng Dũng làm giám đốc vay tiền, dẫn đến thiệt hại hơn 860 tỉ đồng.
* Quan hệ bí ẩn giữa ông Trần Bắc Hà và Công ty Trung Dũng
* Con trai ông Trần Bắc Hà bị cáo buộc rửa 10 triệu USD
* Cựu Phó tổng BIDV khai làm không đúng ý ông Trần Bắc Hà thì sẽ mất chức
Bị cáo Đoàn Hồng Dũng được dẫn giải đến phiên tòa. Ảnh: CTV
|
Ngày 27.10, phiên tòa xét xử sơ thẩm 12 bị cáo trong đại án tại Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo, trong đó đáng chú ý nhất là những thông tin liên quan đến chi nhánh Hà Thành cho Công ty Trung Dũng vay, gây thiệt hại hơn 864 tỉ đồng.
Công văn riêng chỉ đạo cho doanh nghiệp vay
Theo cáo trạng, từ năm 2011 - 2016, ông Trần Bắc Hà, cố Chủ tịch HĐQT BIDV, đã lợi dụng chức vụ, yêu cầu cấp dưới cho doanh nghiệp sân sau của mình là Công ty CP chăn nuôi Bình Hà vay tiền trái quy định. Ông Trần Bắc Hà cũng giúp Công ty TNHH thương mại và du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng) vay sai quy định số tiền đặc biệt lớn. Hai doanh nghiệp này sau đó không thể trả nợ, gây thiệt hại cho BIDV hơn 1.664 tỉ đồng.
Chuyển Bộ Quốc phòng điều tra việc MB Bank cho Trung Dũng vay dẫn đến còn dư nợ hơn 477 tỉ đồng Cũng tại tòa, HĐXX cho biết dù có lợi nhuận không cao nhưng ngoài BIDV, Công ty Trung Dũng còn được VietinBank và MB Bank cho vay hàng trăm tỉ đồng. Trong đó, MB Bank cấp tín dụng cho Công ty Trung Dũng hiện còn dư nợ hơn 477 tỉ đồng. Cơ quan công an cho rằng, việc MB Bank cho Công ty Trung Dũng vay tiền có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên đã chuyển hồ sơ tới Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để giải quyết theo thẩm quyền. |
Cụ thể, Công ty Trung Dũng dù kết quả hoạt động kinh doanh không cao nhưng vẫn đề nghị và được Ngân hàng BIDV tái cấp hạn mức tín dụng 700 tỉ đồng để mua bán thép và cấp tín dụng bằng hình thức phát hành L/C nhập khẩu hàng (cho vay kinh doanh). Tuy nhiên, thua lỗ khiến Công ty Trung Dũng không thể trả nợ. Thậm chí, số phôi thép được mua bằng tiền vay, là tài sản đảm bảo của BIDV, cũng bị Đoàn Hồng Dũng (59 tuổi), Giám đốc Công ty Trung Dũng, tự ý bán cho nhiều doanh nghiệp, trong đó có Công ty Hà Nam của vợ Dũng là bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn. Qua vụ này, vợ chồng Đoàn Hồng Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn đã chiếm đoạt 260 tỉ đồng của BIDV nên bị truy tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Tại tòa, bị cáo Đoàn Hồng Dũng khai có quan hệ tín dụng với BIDV chi nhánh Hà Thành từ năm 2007, là khách hàng bình thường, thanh toán lãi, gốc sòng phẳng. Chỉ đến thời điểm đề nghị cấp hạn mức tín dụng năm 2011, công ty mới dư nợ xấu 31 tỉ đồng. Khi được cấp tín dụng 700 tỉ đồng, Công ty Trung Dũng sử dụng và thất thoát vốn nhưng Đoàn Hồng Dũng lý giải “do kinh tế suy thoái dẫn đến công ty thua lỗ, không trả được nợ chứ không chiếm dụng tiền của BIDV”.
Về quan hệ với ông Trần Bắc Hà, Đoàn Hồng Dũng thừa nhận: “Doanh nghiệp của bị cáo chưa đủ tuổi để quan hệ với chủ tịch HĐQT”. Nghe vậy, thẩm phán Trương Việt Toàn chất vấn: “Nếu không có quan hệ với ông Trần Bắc Hà liệu có vay được không? Ông Hà có hàng vạn khách hàng, sao chỉ viết công văn riêng chỉ đạo cho Công ty Trung Dũng vay?”. Trước câu hỏi này, Đoàn Hồng Dũng im lặng.
BIDV xin án nhẹ nhất cho các cán bộ
Tại phiên tòa, các bị cáo từng làm việc ở BIDV chi nhánh Hà Thành là Ngô Duy Chính (nguyên giám đốc), Nguyễn Xuân Giáp (nguyên phó giám đốc), Phạm Hồng Quang (nguyên trưởng phòng khách hàng), Đặng Thanh Nam đều thừa nhận có sai phạm khi giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ, dẫn đến mất vốn hơn 800 tỉ đồng của BIDV.
Cả 4 bị cáo đều khai bị áp lực từ ông Trần Bắc Hà và BIDV hội sở nên đành phê duyệt, giải ngân. Cụ thể, Ngô Duy Chính thừa nhận dù biết Công ty Trung Dũng không đủ điều kiện cấp L/C nhưng ông Trần Bắc Hà vẫn yêu cầu cho doanh nghiệp này vay tiền. Bị cáo Nguyễn Xuân Giáp khai khi Công ty Trung Dũng đề nghị phát hành L/C, ông Trần Bắc Hà có bút phê chỉ đạo nên bị cáo phải thực hiện.
Dự tòa với vai trò bị hại, đại diện BIDV đề nghị HĐXX ra phán quyết theo nguyên tắc: “Ai vay người đó trả” và yêu cầu Công ty Trung Dũng bồi hoàn hơn 860 tỉ đồng, Công ty Bình Hà phải trả hơn 1.200 tỉ đồng cùng tiền lãi phát sinh. Đại diện BIDV cũng kiến nghị HĐXX tuyên mức án thấp nhất với 8 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ của ngân hàng vì: “Về bản chất, họ là người làm công ăn lương, phục vụ cho ngân hàng và không tư lợi”.
Đan Hạ