Vietstock - Việt Nam đón làn sóng nhà đầu tư "ong chúa"
Việt Nam cần chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với xu hướng công nghệ 4.0
Ngày 28-10, tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2020 với chủ đề "Đón sóng đầu tư mới" do Báo Đầu tư phối hợp với BW Industrial (nhà phát triển hàng loạt chuỗi nhà xưởng xây sẵn) tổ chức, các diễn giả đều nhìn nhận Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ và có nhiều cơ hội đón nhà đầu tư nước ngoài.
Nhiều yếu tố hấp dẫn
Số liệu gần đây của Việt Nam cho thấy dù kinh tế khó khăn song xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng trưởng. Giải thích cho sự thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, các chuyên gia lý giải chính sách đầu tư thân thiện, các KCN và nguồn cung lao động trẻ dồi dào đã giúp Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư.
Các đại biểu trao đổi bên lề Diễn đàn “Đón sóng đầu tư mới”
|
Ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn nhận các nước Đông Nam Á, mà cụ thể là Việt Nam đang là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư nước ngoài từ sau đại dịch Covid 19 do Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch. Điều đó đã thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, chặn đà suy thoái so với quốc gia khác.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch hoành hành toàn cầu đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng. Nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp (DN) sụt giảm doanh thu và lợi nhuận nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thứ hai trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, Việt Nam có nền chính trị ổn định, nhân lực dồi dào, chi phí cạnh tranh… Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực mà gần đây nhất là với EU (EVFTA) góp phần làm nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.
Tổng Giám đốc BW Industrial, ông C.K Tong, nhận định 60% "queenbee - ong chúa" đến Việt Nam đầu tư là các công ty quốc tế, đặc biệt từ EU khi EVFTA có hiệu lực. Việt Nam hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành cơ khí, phụ tùng ôtô, điện tử… với hàm lượng công nghệ cao.
Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp (CBRE Việt Nam), cho rằng Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư. Trước hết là thuận lợi phát triển chuỗi cung ứng. Nhà đầu tư dễ tìm quỹ đất lớn để phát triển kho vận. Đó cũng là lý do dịch chuyển nhà máy sản xuất của các nhà đầu tư mới trong ngành lắp ráp xe hơi, đặc biệt nhắm đến khu vực miền Trung và miền Bắc Việt Nam.
Cần chiến lược hợp lý
Ông Phạm Ngọc Tùng, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh và tiếp thị Công ty IMG - một đơn vị phát triển KCN tại Long An, đưa ra chiến lược cần thiết để chuẩn bị đón sóng đầu tư, đó là tập trung phát triển vị trí, tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh tạo sự tin tưởng cho các đối tác, đồng thời xử lý các vấn đề liên quan đến pháp lý, hợp tác với các tổ chức tín dụng để bảo trợ vốn cho đối tác. Điều này cần có sự hỗ trợ rất lớn từ địa phương mà các DN đặt KCN.
Vấn đề đặt ra là khi thu hút đầu tư, liệu có ảnh hưởng xấu đến môi trường, đến thâm dụng lao động và các yếu tố khác…? Đại diện các DN cho rằng các địa phương chịu trách nhiệm vấn đề này đã quản lý chặt khi các đơn vị thiết lập KCN, phê duyệt dự án từ khâu đánh giá tác động môi trường…
Ông Lê Trọng Hiếu nhận định những DN đặt nhà máy tại Việt Nam chỉ lắp ráp sản phẩm đơn giản để né thuế do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thì chắc chắn sẽ rất khó được phê duyệt với quy trình quản lý hiện nay.
Điều cần lưu ý để chuẩn bị thu hút làn sóng đầu tư mới, theo các diễn giả là Việt Nam cần chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với xu hướng công nghệ 4.0. Phải tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm các KCN, khu kinh tế đã có, đặc biệt cải thiện, tháo gỡ chính sách liên quan nhằm thu hút nhà đầu tư lớn.
Cả nước hiện có 336 KCN có tổng diện tích khoảng 97.800 ha với cơ sở hạ tầng công nghiệp, dịch vụ kho bãi, logistics... và lĩnh vực này đang phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển cơ sở sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. |
Bài và ảnh: Sơn Nhung