Vietstock - Vì sao VNBA muốn kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu?
Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề nợ xấu, TS.Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), mong muốn xã hội hiểu rõ và nhìn nhận nợ xấu cơ bản không phải do ngành Ngân hàng gây ra và việc kéo dài Nghị quyết 42/2017/QH14 (NQ 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Quốc Hùng |
NQ 42 sắp hết hạn, là người có nhiều kinh nghiệm trong xử lý nợ xấu (XLNX), ông đánh giá thế nào về những kết quả đạt được?
- NQ 42 được Quốc hội ban hành vào năm 2017 và đến 15/8/2022 sẽ hết hiệu lực. Kể từ khi được ban hành đến nay, Nghị quyết có tác động hết sức tích cực đối với hệ thống ngân hàng trong việc XLNX. Trong quá trình triển khai, chính quyền các cấp (Bộ Tư pháp, Bộ Công an,… đến các chính quyền địa phương) đã hưởng ứng một cách tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Ngân hàng thu hồi nợ, phát mại tài sản, chuyển đổi, hoàn thiện thủ tục. .. Ý thức trả nợ của khách hàng chuyển biến tích cực, khách hàng chủ động phối hợp với ngân hàng xử lý nợ, trách nhiệm của người đi vay đối với khoản nợ cũng được nâng lên một cách rõ rệt.
Kết quả, nợ xấu đã xử lý của giai đoạn 2017 – 2021 là 750.000 tỷ đồng, trong đó theo NQ 42 đạt khoảng 390.000 tỷ đồng (chiếm hơn 50%). Trong tổng số 750.000 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý, có đến trên 600.000 tỷ đồng là các tổ chức tín dụng (TCTD) tự xử lý, còn lại hơn 100.000 tỷ đồng do VAMC và khoảng 20.000 tỷ đồng do các tổ chức mua bán nợ khác xử lý.
Đặc biệt, khi có NQ 42, khách hàng nhận thức rõ trách nhiệm trả nợ đối với ngân hàng nên đã có sự hợp tác tích cực. Chính vì vậy tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đến thời điểm ngày 31/12/2021 còn khoảng 1,49 - 2%. Nếu dịch COVID-19 không xảy ra, tôi tin chắc hệ thống ngân hàng đạt được yêu cầu đề ra tại NQ 42.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn một số vướng mắc. Thứ nhất, từ khi NQ 42 ban hành, Tòa án được phép xét xử theo hình thức rút gọn, tuy nhiên đến nay chưa xét xử được vụ nào; Thứ hai, việc thu giữ tài sản và chuyển nhượng rất khó khăn, đặc biệt là đối với những tài sản bảo đảm (TSBĐ) không phải là những dự án; Thứ ba, NQ 42 cho phép tiền thu được do phát mại tài sản ưu tiên để trả trước song nhiều trường hợp phải trả thuế trước sau đó mới trả nợ ngân hàng; Thứ tư, một số chính quyền địa phương vào cuộc chưa được quyết liệt trong việc bảo vệ người cho vay.
Khi có NQ 42, khách hàng nhận thức rõ trách nhiệm trả nợ đối với ngân hàng (ảnh minh họa). |
Để giảm áp lực nợ xấu lên ngân hàng, Chính phủ đang đề xuất Quốc hội kéo dài thời hạn của NQ 42 và tiến tới sẽ có Luật về XLNX. Quan điểm của ông với vấn đề này như thế nào?
- Theo tôi, trước hết phải đặt câu hỏi, tại sao Quốc hội phải ban hành NQ 42 mới xử lý được nợ xấu? Bởi vì trong quá trình triển khai theo Bộ luật Dân sự, Luật các TCTD và các bộ luật liên quan có những nội dung chưa phù hợp, chưa đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính người cho vay và người đi vay, thậm chí có phần nào đó còn bảo vệ người đi vay nhiều hơn, dẫn tới ngành Ngân hàng rất khó khăn trong việc đòi nợ. NQ 42 ra đời đã giải quyết được nhiều vướng mắc cho ngân hàng trong việc XLNX.
Mặt khác, nền kinh tế nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm qua. Theo số liệu, hàng triệu tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song nợ cơ cấu chỉ rơi vào khoảng 300.000 tỷ đồng. Các số liệu này chưa phản ảnh được hết thực tế. Thực chất trong 2 năm đại dịch, DN rất khó khăn và tiềm ẩn nợ xấu tăng cao.
Một vấn đề nữa đặt ra: Trường hợp NQ 42 hết hiệu lực và không được gia hạn hiệu lực thì liệu ngân hàng có xử lý được nợ xấu hay không? Tôi cho rằng ngân hàng vẫn xử lý được nợ xấu nhưng kết quả rất hạn chế, không những thế lại dẫn tới tình trạng khách hàng chây ỳ không trả nợ, ý thức và trách nhiệm trong việc trả nợ của khách hàng sẽ quay trở lại như trước khi có NQ 42 và khả năng nợ xấu sẽ rất khó khăn trong việc xử lý. Trước áp lực đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ kiến nghị lên Quốc hội tiếp tục xem xét, sửa đổi bổ sung và kéo dài NQ 42.
Thực tế cho thấy, NQ 42 tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ giúp ngành ngân hàng XLNX đạt được kết quả rất khả quan, đồng thời người dân ý thức được trách nhiệm trong việc trả nợ, vì vậy, tôi cho rằng việc kiến nghị kéo dài NQ 42 là rất cần thiết. Hoặc có thể ban hành luật chuyên ngành về XLNX, trường hợp không ban hành được Luật XLNX thì trong thời gian kéo dài NQ 42 tôi mong muốn NHNN phối hợp với các bộ, ngành rà soát Luật Các TCTD và các bộ luật liên quan trên cơ sở rút kinh nghiêm quá trình thực thi NQ 42 để sửa đổi, bổ sung đồng bộ Luật các TCTD với các bộ luật liên quan như: Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Thuế, Luật Đất đai, Luật Nhà ở...
Khi NQ 42 được ban hành, có những ý kiến cho rằng Quốc hội, Chính phủ đã trao nhiều đặc quyền cho ngành Ngân hàng. Và bây giờ là kiến nghị kéo dài NQ 42, quan điểm của ông thế nào?
- Tôi không nghĩ đó là đặc quyền. Bởi thực tế trước khi có NQ 42, nhiều trường hợp, ngân hàng đòi nợ rất khó khăn, phát mãi tài sản không được, thu giữ tài sản không xong, khách hàng bỏ mặc tài sản đó cho ngân hàng tự xử lý... Tất cả những vấn đề này, ngân hàng không làm gì được. Ý thức trả nợ ngân hàng của khách hàng rất kém, dẫn đến các khoản nợ mặc dù có TSBĐ song không phát mại được, nợ xấu tăng cao ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, NQ 42 được Quốc hội ban hành đã có tác dụng rất tích cực hỗ trợ ngành Ngân hàng trong thu hồi nợ và xử lý TSBĐ cho các khoản nợ. Do vậy, tôi rất mong muốn Nghị quyết sẽ kéo dài thêm.
Tôi cũng rất mong muốn xã hội hiểu rõ và nhìn nhận nợ xấu cơ bản không phải do ngành Ngân hàng gây ra, ví dụ như suy thoái kinh tế toàn cầu và dịch bệnh xảy ra… cũng chính là nguyên nhân phát sinh nợ xấu.
Về phía VNBA, chúng tôi sẽ rà soát tất cả các văn bản pháp luật liên quan và sẽ có văn bản kiến nghị lên Chính phủ để xem xét trong quá trình sửa đổi Luật các TCTD, thì cũng điều chỉnh tại những luật liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Kinh doanh bất động sản…
Trân trọng cảm ơn ông!
Linh Linh