Vietstock - Vì sao EVN vẫn phải ghi số điện 'bằng tay'
Để áp dụng 100% công tơ điện tử lúc này cần hàng nghìn tỷ đồng mà chi phí này sẽ gây áp lực lên giá điện nên EVN chưa thể thay đồng loạt.
Hiện cả nước có gần 27 triệu hộ dùng điện, nhưng mới chỉ 54% dùng công tơ điện tử - loại cho phép ghi số điện tự động. Với việc gần một nửa số hộ trên cả nước vẫn được theo dõi bằng công tơ cơ - thiết bị đo đếm cần sự can thiệp của con người, "nhìn bằng mắt, ghi bằng tay" nên quá trình ghi chỉ số điện vẫn có thể tiềm ẩn sai sót.
Công nhân Công ty Điện lực Mê Linh (Hà Nội) đo đếm, ghi chỉ số điện tại công tơ cơ bằng camera và máy tính bảng. Ảnh: Minh Hà
|
Tại Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) chiều 26/6, bà Đặng Thị Thu Trang - Phòng Giá, phí của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần sớm đẩy nhanh áp dụng công tơ điện tử.
"Chỉ cần một, hai trường hợp sai sót ghi chỉ số như vừa rồi dù tỷ lệ rất thấp trong số gần 27 triệu khách hàng dùng điện, nhưng người dân sẽ quy kết cả ngành làm sai", đại diện Cục Điều tiết điện lực nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Sơn - Phó trưởng phòng Đo lường điện (Viện Đo lường Việt Nam) đánh giá, khi người dân có thể theo dõi được số điện dùng hàng ngày, họ sẽ tính toán và kiểm soát các thiết bị điện, những thắc mắc sẽ giảm.
Nhìn nhận thực tế này, song ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN nói, việc chuyển đổi này "phải dần dần, theo lộ trình vì cần nguồn lực rất lớn".
Theo tìm hiểu của VnExpress, chi phí cho một chiếc công tơ điện tử khoảng 300.000-700.000 đồng (tuỳ thuộc loại đo gần hay đo xa). Như vậy, nếu muốn áp dụng toàn bộ thiết bị đo điện tử trên cả nước lúc này, ước tính EVN sẽ phải chi khoảng 4.000-9.000 tỷ đồng.
Theo Luật Điện lực, trách nhiệm cung cấp thiết bị đo đếm (công tơ điện) thuộc về ngành điện và việc thay thế thiết bị này sẽ phải hạch toán vào chi phí. Ông Dũng cho biết: "Nếu EVN đẩy nhanh việc thay thế sẽ tạo ra áp lực tài chính, và việc này tính vào giá điện. Ngoài ra, nếu thay thế công tơ nhanh để tăng năng suất, giảm số lượng nhân viên xuống, lại tạo ra áp lực cho người lao động".
Do đó, giải pháp mà EVN tính toán, lựa chọn là thay thế theo lộ trình hợp lý, để không gây áp lực lên giá điện, có đủ nguồn lực đầu tư, cân bằng năng suất lao động.
Phó tổng giám đốc Võ Quang Lâm nói thêm, ngành điện phải "cân đong đo đếm" chi ly để đạt tỷ lệ chuyển đổi sang công tơ điện tử cao nhất. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hiện đại hóa, đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi công tơ điện tử để tăng độ chính xác, tăng năng suất lao động mà không gây áp lực lên giá điện", ông Lâm nói.
Về chất lượng công tơ điện, liệu có sự can thiệp kỹ thuật hoặc do yếu tố môi trường khiến công tơ bị sai số, ông Bùi Trung Dũng - Vụ Đo lường (Tổng cục Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học & Công nghệ) khẳng định với VnExpress, tất cả công tơ điện trước khi xuất xưởng và đưa ra thị trường lắp đặt trên lưới điện đều được kiểm định chặt chẽ, dán niêm phong kiểm định chất lượng và nêu rõ thời hiệu sử dụng.
Với công tơ cơ, chu kỳ kiểm định chất lượng sử dụng là 5 năm, còn công tơ điện tử là 6 năm, theo quy định Nghị định 07/2019. Vị này cũng nhấn mạnh hoạt động kiểm định công tơ điện là một sản phẩm dịch vụ kỹ thuật, đã có trong Luật Đo lường, là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Hoạt động này đã xã hội hóa, nhiều thành phần kinh tế tham gia, không chỉ riêng ngành điện cung cấp.
Ông Nguyễn Anh Sơn - Phó trưởng phòng Đo lường điện (Viện Đo lường Việt Nam) cũng cho rằng kết quả đo đếm điện là tin cậy.
Anh Minh