Vietstock - Đừng phá rừng, ngăn sông thì đâu đến nỗi
Biến đổi khí hậu là điều đã không thể tránh, nhưng hậu quả của nó mang đến thì vẫn có thể giảm nhẹ miễn là chúng ta đừng phá rừng, ngăn sông.
Cải tạo ao nuôi tôm ở ĐBSCL. Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
|
Chúng ta hiểu biến đổi khí hậu là sự thay đổi thất thường các yếu tố thời tiết không theo quy luật nào cả. Ví như lượng mưa của một nơi nào đó mà số liệu quan trắc trong suốt thời gian qua cho thấy ngày có mưa nhiều nhất là 300 mi li mét, thì bây giờ đột ngột tăng lên cả ngàn mi li mét.
Sự thay đổi lượng mưa quá lớn như vậy làm cho tất cả hệ thống tiêu thoát nước quá tải, hệ thống đê bao cống đập bị vượt quá ngưỡng an toàn. Hệ quả là xảy ra ngập lụt nghiêm trọng, làm thiệt hại tài sản, con người, vật nuôi, cây trồng... mà trước đó chuyện này chưa từng xảy ra.
Sự thiệt hại đó xảy ra nhiều hay ít còn tùy thuộc vào sự chuẩn bị ứng phó của chúng ta. Thông thường lũ lụt sẽ gây nhiều thiệt hại hơn cho những vùng mà hàng thập kỷ qua thường xuyên bị hạn hán. Điều này làm cho ý thức cảnh giác của cộng đồng bị lơ là, thiếu chuẩn bị.
Dù biến đổi khí hậu là thất thường, khó đoán, không theo quy luật, nhưng xem ra sự thích nghi với nó cũng không quá khó. Ở tầm quốc gia thì cố tránh hai điều trọng tội, đó là “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, ở vùng ĐBSCL thì đừng có cố “ngăn sông, cấm chợ”. |
Ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều vùng trước đây năm nào cũng bị ngập lụt sâu ba bốn mét, nhưng qua hàng chục năm bao đê khép kín để canh tác nông nghiệp thâm canh, làm cho hầu hết trẻ con không biết lội.
Điều đáng quan tâm là mực nước bên ngoài các đê bao này càng ngày càng cao thêm, do bị thu hẹp diện tích trữ nước; trong khi đó mặt đất bên trong đê bao khép kín lại lún sụt hàng năm, nên khoảng cách giữa mực nước bên ngoài đê bao và mặt đất bên trong đê bao càng ngày càng lớn thêm.
Tức là dù nhờ có đê bao mà không còn ngập lụt mỗi năm, nhưng nguy cơ ngập lụt đã không biến mất, nó vẫn tích lũy hàng năm và nếu sự cố bể đê bao xảy ra càng trễ thì thiệt hại càng lớn.
Tương tự như con người, cây trồng vật nuôi cũng vậy, do sự chọn lựa của con người mà các đặc tính của một giống tốt chủ yếu tập trung vào năng suất cao, ít sâu bệnh, chất lượng ngon. Các yếu tố khắc nghiệt của môi trường cũng được quan tâm, như khả năng chịu ngập, chịu hạn, chịu mặn nhưng không phải là những yếu tố ưu tiên để chọn lọc. Vì vậy mà khi thiên tai xảy ra, các giống mới này rất ít có khả năng chống chịu và mức độ thiệt hại là rất lớn.
Nhưng thật ra, nếu chúng ta chịu khó quan sát cẩn thận những kinh nghiệm dân gian và sự phân bố tự nhiên của đa dạng sinh học, thì có thể rút ra được những bài học quý giá. Với những kiến thức hiện đại và nền tảng của tri thức bản địa thì con người hoàn toàn có khả năng ứng phó với sự thay đổi thất thường của biến đổi khí hậu.
Ở ĐBSCL, nơi nào mực nước thay đổi lớn đến ba bốn mét trong năm thì người ta cất nhà sàn. Nhà làm bằng gỗ, đục mộng cài nêm chứ không đóng đinh, cột nhà kê trên những trụ đá; vài năm nếu thấy nước có thể dâng cao hơn thì dỡ nhà ra, thay trụ đá cao hơn, rồi ráp nhà lại tiếp tục sinh sống mà không phải đập phá hay sửa chữa bất cứ phần nào của căn nhà.
Đi lại thì chọn ghe xuồng, nương theo con nước lớn ròng mà chọn hướng đi để đỡ công chèo chống. Sinh hoạt cộng đồng như họp chợ, trao đổi hàng hóa thì cũng làm ngay trên mặt nước, vì vậy mà không bao giờ lo chuyện sập cầu, ngập đường hay ngập chợ!
Canh tác thì chỗ nào chọn giống đó, nơi ngập sâu ba bốn mét và nước dâng cả gang tay một ngày thì có giống lúa mùa nổi; nơi ít mưa nhiễm mặn thì áp dụng kỹ thuật cày ải sạ khô để vừa tận dụng những cơn mưa đầu mùa vừa tiêu mặn xổ phèn. Thậm chí trên cùng một thửa ruộng lúc nước mặn thì nuôi tôm sú, lúc nước ngọt thì trồng lúa, những khi mặn ngọt xập xình thì nuôi cua hay cá kèo.
Ai cũng biết là để có những giống cây con bản địa đó thì thiên nhiên đã dày công tuyển chọn hàng trăm năm qua, cho từng vùng, từng mùa và từng kiểu thời tiết thay đổi cực đoan. Quan trọng là sự chọn lựa đó luôn giữ được cái đặc tính cốt lõi cho từng loài, gọi là tính đặc hữu. Tính đặc hữu thấp là khi đem loài đó sang một điều kiện sinh thái khác thì chúng không còn giữ được các đặc tính vốn có ban đầu của loài; tính đặc hữu cao thì loài đó sẽ chết khi chúng ta di dời chúng đi chỗ khác.
Kỹ sư Hồ Quang Cua là người hiểu sâu sắc tính đặc hữu tự nhiên. Trong mùa khô, người dân đưa nước biển vào ruộng để nuôi tôm sú, cua, cá kèo. Nhưng ít ai để ý là trong nước biển lúc này mang rất nhiều phù sa, làm tăng nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho đất và bản thân nước biển cũng là một môi trường khử trùng, tiêu diệt các nguồn sâu rầy hay dịch bệnh.
Anh Cua đã chọn sự đặc hữu của tự nhiên làm “lợi thế cạnh tranh” và đã kiên trì lai tạo các giống lúa cao sản với giống lúa mùa địa phương vùng nhiễm mặn này để cho ra các dòng lúa ST, trong đó gạo của giống ST25 được bình chọn là loại ngon nhất thế giới.
Vì vậy, dù biến đổi khí hậu là thất thường, khó đoán, không theo quy luật, nhưng xem ra sự thích nghi với nó cũng không quá khó. Ở tầm quốc gia thì cố tránh hai điều trọng tội, đó là “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, ở vùng ĐBSCL thì đừng có cố “ngăn sông, cấm chợ”, còn ở mỗi gia đình thì “ruộng nào, mùa nào thì có cây-con đó”.
Dương Văn Ni