Vietstock - Đừng đe dọa, mà hãy trợ giúp doanh nghiệp
Trong Công văn 6995 ký ban hành ngày 22-12-2021, tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thủy sản tại khu công nghiệp Quảng Phú phải tạm dừng hoạt động kể từ 7 giờ ngày 25-12-2021 và chỉ được hoạt động trở lại khi được UBND tỉnh cho phép.
Quyết định trên được đưa ra sau khi trong những ngày qua trên địa bàn khu công nghiệp Quảng Phú liên tục xuất hiện các ca F0 Covid-19, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh chế biến thủy sản. Trước đó, một công ty trong khu công nghiệp này đã xuất hiện hơn 100 ca F0 và tỉnh đã yêu cầu doanh nghiệp này ngừng hoạt động từ ngày 16-12.
Những quyết định buộc doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy sau khi phát hiện các ca F0 giống như trên cũng không hiếm ở các địa phương, mặc dù trong Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn với dịch không có một quy định nào buộc doanh nghiệp phải làm điều này. Điều đó cho thấy khả năng duy trì được sản xuất của doanh nghiệp vẫn rất bấp bênh, chủ yếu là do mệnh lệnh hành chính của chính quyền địa phương.
Việc dừng hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thủy sản ở khu công nghiệp Quảng Phú của tỉnh Quảng Ngãi là để “kiểm tra thực tế tình hình hoạt động của các doanh nghiệp… về chấp hành và thực hiện phương án sản xuất kinh doanh có đúng với biện pháp, quy định phòng, chống dịch Covid-19 hay không”, và “xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định”.
Đây là một cuộc kiểm tra thực tế, nên lẽ ra tỉnh Quảng Ngãi phải để các doanh nghiệp hoạt động bình thường thì những người đi kiểm tra mới có được cái nhìn thực tế trong hoạt động của doanh nghiệp, từ đó mới có thể đánh giá họ hoạt động “có đúng với biện pháp quy định phòng chống dịch” hay không. Bắt các doanh nghiệp đóng cửa nhà máy, ngưng hoạt động hết thì lấy gì mà kiểm tra! Lúc này chắc cũng chỉ có thể kiểm tra trên văn bản, giấy tờ, điều mà chắc chắn các cơ quan chức năng của Quảng Ngãi đã làm và cũng đã thông qua.
Chính phủ đã nêu rất rõ rằng, những quy định đưa ra trong Nghị quyết 128 là để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Hai chữ “linh hoạt” ở đây trước hết phải hiểu là sự linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch ở các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng xem ra quán tính chống dịch theo mệnh lệnh hành chính của nhiều địa phương vẫn còn rất nặng.
Phòng chống dịch Covid-19 là công việc phải làm, nhưng việc này chỉ thực sự hiệu quả khi có sự hợp tác của người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Thế nhưng, rất nhiều địa phương vẫn chưa xem doanh nghiệp là đối tác đồng hành, mà vẫn coi họ như đối tượng quản lý trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Cũng chính vì vẫn coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý hơn là người đồng hành, nên trong các văn bản chỉ đạo phòng chống dịch không ít địa phương vẫn đưa ra những câu chữ có tính chất đe dọa, như “dừng hoạt động”, “xử lý nghiêm”…
Đối với doanh nghiệp, duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh là sống còn đối với họ, nên sẽ chẳng ai ngu dại đến mức cố tình làm cho dịch bệnh lây lan trong các cơ sở sản xuất kinh doanh của mình để phải đóng cửa. Vì vậy, thay vì đưa ra những lời đe dọa, hoặc buộc doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy khi xuất hiện các ca F0, chính quyền hãy trợ giúp bằng cách chỉ ra cho doanh nghiệp thấy công tác phòng chống dịch có lỗ hổng ở đâu để họ khắc phục. Đồng thời, đưa ra các hướng dẫn chi tiết và cụ thể cho doanh nghiệp về cách thức xử lý khi có F0, để có thể vừa duy trì sản xuất vừa bảo đảm sức khỏe cho công nhân. Đây cũng là điều mà Sở Y tế TPHCM đã làm và cũng đã giúp ích được rất nhiều cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng và chưa có dấu hiệu dừng như hiện nay, hẳn các doanh nghiệp cũng đã quá lo sợ, căng thẳng và mệt mỏi rồi, nên các địa phương cũng đừng chất lên vai họ thêm những căng thẳng qua các văn bản phòng chống dịch chứa những câu chữ có tính đe dọa hoặc những ứng xử thiếu thân thiện của người làm công tác phòng chống dịch của chính quyền.
Có một chi tiết đáng chú ý trong Công văn 6995 của Quảng Ngãi, đó là “trong thời điểm hiện nay, yêu cầu các doanh nghiệp tạm thời ngừng sử dụng lao động thời vụ, công nhật, ngắn hạn”. Chắc chắn rằng, trong số những lao động thời vụ, công nhật, ngắn hạn đó có không ít gia đình mà bữa ăn của họ phụ thuộc vào đồng tiền công từ việc làm công nhật, ngắn hạn mà họ kiếm được mỗi ngày. Không biết tỉnh Quảng Ngãi có nghĩ đến chuyện có thể sẽ có nhiều gia đình bị đói khi đưa ra lệnh cấm này hay không!
Tấn Đức