Vietstock - Đưa vốn đầu tư công vào nền kinh tế thế nào?
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong quý I sẽ làm ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Tính đến cuối quý 1/2022, còn hơn 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ; tỷ lệ giải ngân ì ạch, chỉ đạt trên 11% và vẫn còn 29 đơn vị chưa giải ngân đồng nào...
Để nhanh chóng thúc đẩy đầu tư công thì trách nhiệm pháp lý của người đứng đầu trong việc giải ngân vốn đầu tư công cần tường minh và đơn giản hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5/2022 thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022...
|
Tốc độ giải ngân vốn chậm chạp
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kế hoạch vốn chưa được triển khai phân bổ chi tiết là 51.015 tỷ đồng, chiếm 9,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, các bộ, cơ quan Trung ương chưa phân bổ 15.239 tỷ đồng (chiếm 13,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); các địa phương chưa phân bổ 35.776 tỷ đồng (chiếm 8,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Đến hết tháng 3, mới có 4 Bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (47,24%), Thái Bình (33,9%), Ngân hàng nhà nước Việt Nam (32,09%), Bộ Xây dựng (29,14%), Lai Châu (28,8%)…
Có 46/51 Bộ và 29/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của cả nước (11,03%), đáng chú ý, có 29 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Đây là kết quả chưa thực sự ấn tượng, và còn nhiều việc phải làm để cải thiện cả hiệu quả giải ngân và tác động đối với nền kinh tế bởi ở thời điểm hiện tại thì đây là vấn đề rất quan trọng bởi kết quả giải ngân đầu tư công sẽ tác động trực tiếp đến việc kích cầu nền kinh tế sau đại dịch.
Xét về vấn đề nguyên nhân, từ góc nhìn của người làm nghiên cứu, tôi cho rằng nguyên nhân của tình trạng này chính là hiện tượng sợ trách nhiệm trong việc giải ngân đầu tư công, đây là căn bệnh cố hữu của nền kinh tế.
Dự án đầu tư bằng tiền ngân sách hiện đang không chỉ chịu chi phối bởi Luật Đầu tư công mà còn cả Luật Đầu tư, Đất đai, Xây dựng… Trong đó, một số quy định đang bị chồng lấn, thậm chí vênh nhau. Nhiều nội dung bất cập đã được kiến nghị nhưng vẫn phải chờ sửa luật…
Những khúc mắc pháp lý dẫn tới thực trạng người nắm giữ trách nhiệm tại các cấp ngần ngại khi đưa ra quyết định vì nghĩ “không phải đầu cũng phải tai”. Trong khi cấp thực thi ở dưới né tránh, đùn đẩy lòng vòng, ngang dọc thì người ở trên cũng không thể làm gì được.
Đặc biệt, theo quy định của Luật Đầu tư công có hiệu lực từ đầu năm nay thì việc xin vốn càng nhiều càng tốt sẽ phản tác dụng nếu như không sử dụng hết. Các bộ, ngành địa phương sẽ không được giữ lại số tiền chưa tiêu hết mà sẽ bị khấu trừ vào kế hoạch vốn năm sau. Điều đó có thể lý giải được vì sao một số bộ ngành xin trả lại vốn đã được phân bổ.
Thúc đẩy vốn đầu tư công thế nào?
Theo tôi biết thì Thủ tướng đã có những biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Cách đây ít ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5/2022 thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4/2022 dưới mức trung bình của cả nước (18,48%).
Tôi cho rằng, đây đã là giải pháp thiết thực nhưng có một vấn đề quan trọng nữa là trách nhiệm pháp lý của những người đứng đầu trong việc giải ngân vốn đầu tư công cần tường minh và đơn giản hơn.
Tại nhiều địa phương, có những lãnh đạo đứng đầu rất quyết đoán, có thể họ không tư lợi cá nhân nhưng vướng cơ chế, ràng buộc quy định pháp lý khiến họ e ngại, sợ sai, không dám quyết định.
Trên thực tế, nếu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay thì sẽ tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch.
Vốn đầu tư công có tác động tích cực tới tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành xây dựng và GDP. Cụ thể, khi vốn đầu tư công tăng thêm 1% sẽ có tác động lan tỏa tới tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng là 1,34 điểm phần trăm và đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. Bởi vậy, nếu năm nay giải ngân được toàn bộ nguồn vốn đầu tư công, thì GDP sẽ có thêm 0,42 điểm phần trăm tăng trưởng.
Vốn đầu tư công tập trung chủ yếu cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, nhất là giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, nông nghiệp… nên một khi nguồn vốn này được giải phóng sẽ có vai trò như vốn mồi thu hút nguồn vốn từ khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mục tiêu đặt ra là từ 33-34% GDP, là nhân tố vô cùng quan trọng để duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Do đó, nên hướng dẫn hành lang pháp lý tốt hơn để người đứng đầu có thể làm được.
Chuyên gia kinh tế ĐINH TUẤN MINH