Vietstock - Từ các sai phạm trong đấu thầu: Cần tăng chế tài xử lý tội phạm
Ngoài hoàn thiện những kẽ hở của Luật Giá 2012 và Luật Đấu thầu 2013, chuyên gia cho rằng, đối với tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” cần phải tăng chế tài xử lý…
Đấu thầu - một trong những phương thức để Nhà nước có thể lựa chọn được những nhà thầu phù hợp với mục đích, cũng như chi phí hợp lý khi tiến hành các hoạt động này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít các vụ án liên quan đến “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đã bị phát giác, đây là hành vi không chỉ gây thất thoát tài sản Nhà nước, mà còn cho thấy sự “đi xuống” về vấn đề đạo đức của những người được giao trọng trách quản lý tại các cơ quan, đơn vị.
Hàng loạt các vụ việc “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đã được các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng thời gian qua - Ảnh: TN
|
Thực tế, chỉ trong 2 năm trở lại đây, hàng loạt các vụ việc “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đã được các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng.
Như ngày 13/5/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, đối với 7 bị can. Trong đó, có 4 bị can của Bệnh viện Tim Hà Nội gồm: Hoàng Thị Ngọc Hưởng - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện; Nguyễn Thị Dung Hạnh - nguyên Kế toán trưởng; Đoàn Trọng Bình - nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Vật tư; Nghiêm Tuấn Linh - nguyên Phó Trưởng phòng Vật tư.
Cùng tội danh, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã khởi tố bị can đối với: Trần Phú Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC - Việt Nam; Nguyễn Hồng Dũng - Phó Tổng Giám đốc, kiêm Kế toán trưởng, Thẩm định viên; Nguyễn Trung Dũng - Chuyên viên thẩm định.
Hay mới đây, ngày 29/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) - Bộ Công an cũng đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, đồng thời ra Quyết định khởi tố bị can và thực hiện các Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can đối với bị can Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai; bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC và 6 đồng phạm.
Liên quan đến sai phạm xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cơ quan điều tra đã khởi bị can Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai; bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC và 6 đồng phạm
|
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trong quá trình lập hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, hồ sơ đấu thầu 12 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế thuộc dự án trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015, các cán bộ thuộc chủ đầu tư, Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC; đơn vị tư vấn lập dự án, lập hồ sơ mời thầu, chấm thầu; đơn vị thẩm định giá đã thông đồng, nâng khống giá trị trang thiết bị trong điều chỉnh tổng mức đầu tư và giá gói thầu, thông thầu, gian lận trong đấu thầu, vi phạm nghiêm trọng luật Đấu thầu để Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế AIC trúng thầu 12 gói thầu với tổng giá trị 476,87 tỷ đồng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước, bước đầu xác định là 152 tỷ đồng.
Đây là vụ việc đang được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi, không chỉ mức độ nghiêm trọng về hậu quả mà các bị can gây ra mà còn là hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm quy định trong đấu thầu từ lâu đã được nhen nhóm.
Theo các chuyên gia, nếu nhìn từ thủ đoạn mà các bị cáo gây ra hậu quả không có gì mới so với các vụ sai phạm xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim hay CDC Hà Nội… Để gây thiệt hại tài sản của Nhà nước 152 tỷ đồng (chiếm gần 32% giá trị của 12 gói thầu), không loại trừ khả năng các bị cáo đã thông đồng “nhắm” vào các khoảng trống của Luật Đấu thầu và Luật Giá. Đó là sự độc lập của vai trò thẩm định giá (theo quy định tại Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012), để xây dựng giá gói thầu vượt quá giá trị thực, thay vì đúng giá là 324,87 tỷ đồng, họ đã đôn lên 476,87 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các bị can cũng đã “nhắm” vào kẽ hở quy định tại Điều 19 Luật Đấu thầu 2003, cho phép đấu thầu trong trường hợp đấu thầu hạn chế trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật. Bởi, vào thời điểm đó, đây là cơ sở y tế được xây dựng trên tiêu chuẩn cao cấp nhất; các trang thiết bị được đầu tư thuộc hàng hiện đại nhất cả nước và ngang tầm khu vực, trên nóc bệnh viện có sân đáp trực thăng…
Chuyên gia đề xuất, phải tăng nặng khung hình phạt lên tương xứng với hành vi và hậu quả mà người phạm tội liên quan đến đấu thầu gây ra - Ảnh minh họa
|
Thực tế, từ vụ việc xảy ra cho đến nay nếu như Luật Giá vẫn “dẫm chân tại chỗ”, thì Luật Đấu thầu đã được sửa đổi bổ sung, trong đó liên quan đến lĩnh vực mua sắm tập trung, mua sắm thường xuyên, mua thuốc, vật tư y tế, Luật Đấu thầu 2013 đã dành hẳn 5 điều luật (từ Điều 48 đến Điều 52) để điều chỉnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, những “lỗ hổng” trong Luật Đấu thầu 2005 vẫn chưa được hoàn thiện kín kẽ, trong đó có thể kể đến quy định tại Điều 43 và điểm a, khoản 4 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 khi cho phép chủ đầu tư được chỉ định thầu trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện…
Thông tin với báo chí, Luật sư Lưu Bá Khiết – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh phân tích, theo quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi sai phạm của bị can Phan Huy Anh Vũ và Phan Thị Thanh Nhàn sẽ chịu trừng phạt của pháp luật, với khung hình phạt tù tối đa lên tới 20 năm.
“Mặc dù khoản 3 và 4 Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 quy định phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Tuy nhiên, so với số tiền của Nhà nước bị thiệt hại 152 tỷ đồng thì biện pháp chế tài mà pháp luật điều chỉnh đối với hành vi phạm tội của các bị can gây ra trong vụ án này là không tương xứng, hay nói cách khác chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa tội phạm”, Luật sư Khiết trăn trở.
Từ đó, Luật sư Khiết kiến nghị, Quốc hội không chỉ sửa đổi bổ sung hoàn thiện những kẽ hở của Luật Giá 2012 và Luật Đấu thầu 2013; mà đối với tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” cần phải áp dụng biện pháp chế tài giống như tội Tham ô tài sản (theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 353 BLHS 2015).
“Nghĩa là phải tăng nặng khung hình phạt lên tương xứng với hành vi và hậu quả mà người phạm tội gây ra. Cụ thể, nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù chung thân hoặc tử hình”, Luật sư Khiết đề xuất.
Gia Nguyễn