Vietstock - TS. Nguyễn Anh Vũ: Nhiều yếu tố thúc đẩy ngành ngân hàng trong năm 2024
TS. Nguyễn Anh Vũ – Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Ngân hàng TPHCM chia sẻ triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2024 tại Tọa đàm Triển vọng ngành ngân hàng và thông tin về NAB trước thềm chào sàn HOSE được tổ chức chiều ngày 05/03/2024.
TS. Nguyễn Anh Vũ – Trưởng khoa Tài chính Đại học Ngân hàng TPHCM phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Cát Lam
|
Triển vọng đầu tiên là tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Việt Nam vẫn thuộc top tăng trưởng của khu vực châu Á. Năm 2023 đạt tăng trưởng GDP hơn 5%. IMF dự báo Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng 5.8% vào năm 2024.
Thêm nữa, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam vượt trên 4,000 USD. Dân số 100 triệu người cũng đã vượt qua. Việt Nam đang thuộc nhóm dân số vàng, trong độ tuổi 15-59 chiếm 62.2%.
Trình độ học vấn gia tăng, mức độ hiểu biết về tài chính của người dân cũng tăng, do đó nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cũng tăng. Sự thay đổi trong hành vi tiết kiệm và tiêu dùng của thế hệ dân số mới (YOLO), tiêu dùng nhiều hơn.
Những điều này tạo ra tiềm năng lớn trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.
Tổng tài sản của ngành ngân hàng trên 20 triệu tỷ đồng, CAGR đạt khoảng 13% trong giai đoạn 2013-2023, trong đó TCTD chiếm 93.2%, công ty bảo hiểm chiếm 4.4%.... Có thể thấy ngân hàng đóng vai trò lớn trong các định chế tài chính.
Chuyên gia cho rằng có nhiều yếu tố hậu thuẫn cho tăng trưởng biên lãi ròng (NIM) và tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.
Đầu tiên, lãi suất huy động rất thấp. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng đang dưới 5% và sẽ tiếp tục duy trì.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng có xu hướng tăng lên, chủ yếu do thay đổi phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Dẫn đến chi chi phí vốn đầu vào thấp, duy trì tỷ lệ NIM cao trong thời gian tới.
Kinh tế số tạo cơ hội lớn cho ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số, gia tăng trải nghiệm khách hàng, khai thác hiệu quả dữ liệu và hành vi khách hàng. Ngân hàng hiện nay cũng có thể gia tăng nhiều nguồn thu như phí tư vấn bảo hiểm, hoa hồng phân phối sản phẩm.
Các ngân hàng có thể tài trợ, cấp vốn vào các dự án xanh, dự án ESG. Tỷ suất sinh lời sau điều chỉnh rủi ro của các dự án này cũng nhiều tiềm năng. Tài chính xanh có nhiều tiềm năng cho các ngân hàng theo đuổi.
Luật Các TCTD (sửa đổi) vừa được thông qua cũng có nhiều thuận lợi cho ngành ngân hàng. Đơn giản hóa thủ tục, giúp xử lý những khoản vay nhỏ; tạo hành lang pháp lý cho ngân hàng số; xử lý nợ xấu.
Bênh cạnh đó, ngành ngân hàng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên là nợ xấu ngân hàng đang gia tăng. Nợ xấu sẽ phân hóa cho các ngân hàng, ngân hàng nhiều khách hàng lớn sẽ rủi ro nhiều hơn, ngân hàng bán lẻ sẽ phân tán rủi ro hơn.
Thứ hai, sự kiểm soát chặt chẽ đối với kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm, cũng góp phần sụt giảm lợi nhuận.
Thứ ba, các đại án đang được xét xử trong thị trường chứng khoán và ngành ngân hàng.
Cát Lam