Vietstock - Triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam
Mức độ và sự kéo dài của cơn sốc lạm phát toàn cầu đã làm ngạc nhiên hầu hết các ngân hàng trung ương cũng như các tổ chức đưa ra dự báo kinh tế. Tình hình kinh tế thế giới năm 2021 có thể tóm lại bằng một vài dòng, cụ thể là nhu cầu tiêu dùng phục hồi bùng nổ đã không được đáp ứng bởi phía cung, vốn đã bị ảnh hưởng mạnh bởi sự đình trệ, đứt gãy của chuỗi cung ứng.
Bức tranh của thế giới
Nguồn cung bị bóp nghẹt đã làm cho kinh tế toàn cầu quí 3-2021 tăng trưởng chậm hơn mức dự đoán của hầu hết các tổ chức. Những nền kinh tế phát triển bị ảnh hưởng mạnh nhất là Mỹ, Đức, Nhật Bản từ hậu quả của sự gián đoạn chuỗi cung ứng gần đây.
Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 vẫn được nhiều tổ chức dự báo ở mức 5,5-5,7%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 1973, là năm chứng kiến tình trạng vừa trì trệ tăng trưởng vừa lạm phát cao.
Sang năm 2022, nhìn chung, dự báo của các tổ chức đưa ra trong khoảng 4,1-4,6%, và nguyên nhân cho sự sụt giảm về tốc độ tăng trưởng so với năm 2021, ngoài sự quay trở về tình trạng bình thường, còn là do sự tụt giảm tăng trưởng mạnh của Trung Quốc. Phản ứng của giới cầm quyền nước này tỏ ra chậm chạp hơn so với kỳ vọng. Mặc dù trong thời gian tới, có thể chính quyền Trung Quốc sẽ lại tung ra các biện pháp nới lỏng để kích thích tăng trưởng, tăng trưởng của nước này được dự báo chỉ ở mức dưới 5% năm 2022.
Sang năm 2022, nhu cầu tiêu dùng sẽ hướng nhiều hơn vào dịch vụ, trong khi đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ sẽ mở rộng nguồn cung hàng hóa, còn các gói kích thích kinh tế thì sẽ được thu lại. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại đối với các ngân hàng trung ương là nguy cơ áp lực lạm phát sẽ lan rộng. |
Lạm phát thế giới trong năm 2022 được kỳ vọng sẽ giảm nhiệt. Sự tăng nóng giá cả hàng hóa từ tháng 3 năm nay được châm ngòi bởi sự bùng nổ nhu cầu tiêu dùng, bắt nguồn từ các gói kích thích kinh tế của chính phủ các nước đã và đang phát triển, nhất là Mỹ. Sang năm 2022, nhu cầu tiêu dùng sẽ hướng nhiều hơn vào dịch vụ, trong khi đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ sẽ mở rộng nguồn cung hàng hóa, còn các gói kích thích kinh tế thì sẽ được thu lại.
Tuy nhiên, điều đáng quan ngại đối với các ngân hàng trung ương là nguy cơ áp lực lạm phát sẽ lan rộng. Dân chúng nhiều nước đã nhận thấy rõ hậu quả của lạm phát lên ví tiền của mình, và hậu quả này càng trở nên nặng nề hơn khi nó được kết hợp với cú sốc về giá năng lượng. Kỳ vọng lạm phát bởi vậy ngày càng gia tăng.
Nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh với GDP đã vượt qua mức trước đại dịch và chênh lệch giữa tăng trưởng thực tế và tăng trưởng tiềm năng ở Mỹ sẽ trở nên dương trong năm 2022. Tương tự như vậy là tình hình ở một số nước khác ở phương Tây. Do đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên vào quí 3-2022, trong khi Ngân hàng Trung ương Anh sẽ có khả năng nâng lãi suất sớm hơn, ngay từ quí 1 năm sau.
Biến chủng Covid mới có khả năng sẽ lại tác động mạnh đến chuỗi cung ứng và làm tăng áp lực giá cả. Điều này đặt ra thách thức lớn với ngân hàng trung ương các nước nếu họ không khẩn trương bình thường hóa chính sách của mình – thắt chặt lại chính sách tiền tệ.
Phản ứng chính sách của các ngân hàng trung ương sẽ có sự phân hóa lớn. Trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu được kỳ vọng tiếp tục trì hoãn nâng lãi suất đến tận năm 2023 thì Trung Quốc được kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất năm 2022.
Ngoài ra, đô la Mỹ được dự báo sẽ mạnh lên trong năm 2022 phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ và sự nâng lãi suất của Fed. Đô la Mỹ mạnh lên trong khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ tạo thành thách thức cho các nền kinh tế mới nổi khi họ cũng thắt chặt chính sách tiền tệ của mình.
Việt Nam với những khác biệt
Nhìn về Việt Nam, có một số khác biệt đáng chú ý so với thế giới. Trước tiên là, sau bao nhiêu đề xuất và tranh cãi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính đã không nới lỏng chính sách tiền tệ, tung ra các gói kích thích, hỗ trợ kinh tế đáng kể theo phần trăm GDP như ở nhiều nước. Đại dịch lan tràn, hoành hành gây chết chóc, phong tỏa ở nhiều địa phương càng làm cho tổng cầu không thể tăng mạnh như ở nhiều nước khác. Điều này lý giải vì sao lạm phát ở Việt Nam đã không tăng mạnh như quan ngại của nhiều người.
Sự mạnh lên của đô la Mỹ và áp lực gia tăng giá cả sẽ buộc NHNN hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài thắt chặt trở lại chính sách tiền tệ của mình. nhưng, mức độ thắt chặt trở lại có thể sẽ không quá lớn bởi NHNN không muốn gây ra một sự đổ vỡ trong nền kinh tế nội địa khi sự phục hồi còn chưa vững chắc. |
Tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam được dự báo sẽ chỉ khoảng trên dưới 3% hoặc thấp hơn nhiều so với mức dự báo của các cơ quan hữu trách ở Việt Nam. Sang năm 2022, sự bình thường hóa nền kinh tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP cao hơn năm 2021 (và có lẽ cũng không thể vượt qua mức trung bình của thế giới), đồng thời cũng làm tăng áp lực lạm phát khi tổng cầu dần hồi phục và tăng trưởng mạnh trở lại sau khi nền kinh tế mở cửa lại (hoàn toàn) với bên ngoài trong khi chuỗi cung ứng trong nước có thể sẽ bị ảnh hưởng từ sự gián đoạn của chuỗi cung ứng thế giới .
Sự mạnh lên của đô la Mỹ và áp lực gia tăng giá cả sẽ buộc NHNN hầu như không còn lựa chọn nào khác ngoài thắt chặt trở lại chính sách tiền tệ của mình. Nhưng, mức độ thắt chặt trở lại có thể sẽ không quá lớn bởi NHNN không muốn gây ra một sự đổ vỡ trong nền kinh tế nội địa khi sự phục hồi còn chưa vững chắc. Do đó, lãi suất tiền đồng năm 2022 có chiều hướng sẽ tăng lên, tuy ở mức độ nhỏ, hoặc ít nhất thì sẽ khó có chuyện lãi suất sẽ giảm tiếp so với mức hiện nay.
Phan Minh Ngọc