Vietstock - Tranh luận về quy định ô tô được dừng không quá 5 phút
Quy định ô tô được dừng không quá 5 phút nêu trong dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an đề xuất gây tranh luận nhiều trong bạn đọc.
Dừng, đỗ ô tô mà không gây ùn tắc, ảnh hưởng đến lưu thông luôn là vấn đề “đau đầu” đối với những nhà quản lý, đặc biệt ở các đô thị lớn ẢNH: NGỌC DƯƠNG
|
Như Thanh Niên đã thông tin, quy định ô tô được dừng không quá 5 phút nêu trong dự thảo luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an đề xuất. Cụ thể, khoản 1, điều 18 của dự thảo này nêu: dừng xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông trong thời gian không quá 5 phút và người lái xe không rời vị trí điều khiển, trừ trường hợp xuống để mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe. Khoản 2 điều này cũng quy định đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện mà không phải dừng xe. Trong khi đó, luật Giao thông đường bộ 2008 quy định “dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên xuống xe, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác”, mà không giới hạn thời gian cụ thể.
Quy định cần rõ ràng…
Một số bạn đọc (BĐ) cho rằng quy định dừng xe trong một khoảng thời gian nhất định là hợp lý. “Tôi ủng hộ việc phải có quy định thời gian dừng xe. Từ trước tới nay ai cũng hiểu rằng “dừng xe” tại một điểm nào đó chỉ trong thời gian ngắn vài phút thôi để đưa, đón người lên, xuống xe hoặc đưa hàng hóa, hành lý lên, xuống xe; hoặc để tài xế kiểm tra tình trạng xe khi thấy điều bất thường... (nói khác đi có thể là “đỗ xe tạm thời” trong thời gian ngắn, một vài phút). Như vậy, thời gian dừng xe cũng chỉ nên giới hạn tối đa 5 - 7 phút mà thôi”, BĐ Tạ Huy Tuyến phân tích và cho biết thêm “cần phải luật hóa cho rõ ràng”.
Để có thể sát với thực tiễn, trước tiên, cần phải thí điểm ở một số tuyến đường ở một số tỉnh thành. Lực lượng CSGT sẽ là những người ghi nhận, thống kê, phân tích, tập hợp... để báo cáo lại với cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì dự thảo luật. Trí Minh |
Tuy nhiên, cũng có một số BĐ còn băn khoăn, như góp ý của BĐ Lê Ba: “Luật cũng cần phân biệt rõ như thế nào là đỗ xe, như thế nào là dừng xe trên đường. Luật Giao thông đường bộ hiện hành chưa làm rõ điểm này. Thực tế nhiều trường hợp nhà mặt tiền đường nhưng vướng sinh hoạt nên tài xế để xe nằm trên đường hoặc vỉa hè từ sáng đến đêm đi ngủ mới đưa xe vào nhà cất hoặc các tài xế taxi không có chỗ để xe nên cứ cho xe nằm trên đường vô tư; nhiều trường hợp người dân phải điện tổng đài để “điệu” bác tài lái xe đi”.
… và phù hợp thực tiễn hơn
BĐ Tran Khanh Nam ý kiến: “Cần thiết áp dụng quy định này tại các TP lớn, đông đúc, như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM (HM:HCM)... vì những TP này luôn quá tải mà ý thức của các tài xế thì quá kém; luôn chiếm dụng lòng lề đường; dừng đậu vô tội vạ khiến giao thông càng thêm ùn ứ”.
Ban soạn thảo dự thảo luật nên lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn khác; các hiệp hội taxi, vận tải hành khách và ý kiến của người dân trên khắp cả nước. Nếu chỉ chăm chăm vào những TP lớn để từ đó đưa ra dự thảo điều luật là chưa đủ tính đại diện. Ngọc Lê |
Trong khi đó, nhiều ý kiến lại tỏ ra băn khoăn, bởi lẽ nếu đã là điều luật thì phải áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Do vậy, xây dựng dự thảo luật dựa trên đặc điểm về giao thông, lượng phương tiện ở những TP lớn để áp cho cả nước thì e rằng chưa phản ánh đúng thực tiễn. “Nếu ở các TP lớn, tùy theo tuyến phố mà cấm dừng đỗ có thời gian giới hạn; không nên cứng nhắc đưa vào luật, sẽ làm phức tạp, bức xúc, phát sinh nhiều vấn đề”, BĐ Trần Đình Hoành nêu.
“Đưa ra luật là để ngăn chặn, hạn chế cái xấu, cái chưa tốt; không phải đưa ra luật để ngăn chặn tất cả, không phù hợp thực tế. Hãy đặt mình vào vị trí của người dân bình thường lưu thông, dừng, đỗ trên đường để xây dựng điều luật phù hợp thực tiễn nhất”, BĐ Nguyễn Phong viết.
Tường Vy