Vietstock - TPHCM phải làm gì để dẫn dắt nền kinh tế trong một chu kỳ mới?
Các chuyên gia, doanh nhân cho rằng cả doanh nghiệp lẫn chính quyền TPHCM đều phải liên tục học hỏi và sáng tạo để xứng đáng với vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Trước mắt cần tập trung vào việc cải thiện quy mô doanh nghiệp và năng lực của doanh nhân để có thể tái hiện được giai đoạn cải cách rực rỡ như những năm 1990-2000.
Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, lãnh đạo TPHCM, doanh nhân tại hội thảo “Phát huy vai trò và nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân TPHCM” ngày 12-1. Hội thảo nhấn mạnh việc số lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân TPHCM dù phát triển nhanh trong những năm qua, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội nhưng vẫn chưa phát huy hết thế mạnh, tiềm lực. Do đó cả chính quyền thành phố lẫn doanh nghiệp cần phải nhìn nhận thẳng vào những hạn chế để cải thiện trong một chu kỳ kinh tế mới hậu Covid-19.
Chính quyền cũng cần có “sandbox”
Tại TPHCM, tính đến tháng 6-2021, số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động là gần 460.000, với khoảng 500.000 doanh nhân, chiếm 50% số doanh nhân trên cả nước. Tuy nhiên, theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TPHCM còn nhiều việc phải làm để thực sự xứng đáng là đầu tàu của cả nước. Ông cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp không cần phải xin chính sách, doanh nhân không cần phải cầu xin Chính phủ cho chính sách để làm ăn.
TPHCM đang giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế. Ảnh minh họa: V.Dũng |
“Doanh nghiệp đóng thuế, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, thì Chính phủ phải cung cấp cho doanh nghiệp những chính sách và sự hỗ trợ tốt nhất, không thể có tình trạng phân biệt đối xử, bó buộc doanh nghiệp. Hơn cả khái niệm ‘Chính phủ kiến tạo’, giờ đây doanh nghiệp phải được thảo luận với Chính phủ để đề xuất chính sách”, PGS (HN:PGS).TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm.
Muốn vậy, theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, chính quyền phải thực sự là bạn của doanh nghiệp – bạn một cách đàng hoàng, minh bạch. Bên cạnh nỗ lực học hỏi, chính quyền phải lắng nghe doanh nhân.
“Phải có ‘sandbox’ (cơ chế thử nghiệm) cho chính quyền. Chính quyền phải tự đặt ra ‘sandbox’ này, có sự đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân. Điều tôi mong mỏi nhất là TPHCM tiếp tục đi đầu về cải cách, dám nghĩ, dám làm, như những gì thành phố đã làm những năm 1990-2000”, TS Võ Trí Thành nói.
Song song với “sandbox” cho chính quyền, các chuyên gia cho rằng cần có mô hình đào tạo mới, với cơ chế đột phá để nâng cao năng lực thực tiễn cho doanh nhân.
Cần học viện doanh nhân để có thể đột phá
Nhiều chuyên gia cho rằng số lượng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân TPHCM những năm qua gia tăng nhanh nhưng đó không phải là mục tiêu cần hướng tới. Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, TPHCM cần tập trung vào quy mô doanh nghiệp và năng lực của doanh nhân để xây dựng phát triển những doanh nghiệp có khả năng tạo ra nhiều việc làm, sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Muốn vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân cần được chú trọng đúng mức. Song song đó, chính quyền thành phố phải lắng nghe, đồng hành cùng doanh nhân, tạo môi trường minh bạch để doanh nghiệp phát huy các thế mạnh vào đầu tư phát triển.
TS Lê Quốc Thành, Viện phó Viện Leadman, cho rằng việc đào tạo ngành kinh doanh tại Việt Nam còn nhiều hạn chế như chương trình đào tạo chưa bắt kịp chuẩn đào tạo cơ bản của các đại học ở các nước phát triển, nội dung nặng về lý thuyết, lỗi thời. Mặt khác, rất ít giảng viên là chuyên gia, doanh nhân đang kinh doanh, tư vấn trong thực tế.
Do đó, ông đề xuất thí điểm mô hình đào tạo có sự bảo trợ của chính quyền TPHCM, có thể tài trợ một phần cho các học viên, doanh nghiệp tham gia, trong đó đội ngũ giảng viên trong và ngoài nước là những người giàu kinh nghiệm thực tiễn về quản trị kinh doanh.
Bà Phan Thị Tuyết Mai, Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TPHCM (HAWEE), cũng kiến nghị thành phố xem xét xây dựng một trường đào tạo doanh nhân theo mô hình của Học viện Matsushita (Nhật Bản).
“Năm 2015 tôi có dẫn 17 doanh nhân sang học viện này tập huấn. Tôi nhận thấy trong số 263 viện sinh tốt nghiệp khi đó, có 111 người ngồi trong Nội các Chính phủ Nhật Bản, còn lại là chủ tịch các tập đoàn hoặc chuyên gia đầu ngành. Những viện sinh này không có giáo trình, nhưng họ được quyền đề xuất học viện mời giáo sư phù hợp về cùng họ nghiên cứu đề tài họ quan tâm”, bà Tuyết Mai kể.
Vị lãnh đạo HAWEE cũng nói thêm, thời điểm đó bà Victoria Kwakwa – Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương – cam kết sẽ tài trợ 5 triệu đô la nếu Việt Nam triển khai dự án. Đây là cơ sở để TPHCM nghiêm túc cân nhắc về mô hình trường đào tạo doanh nhân này.
Theo bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cũng phải nhìn nhận rằng chất lượng đội ngũ doanh nhân thành phố chưa đồng đều, khả năng hội nhập, cạnh tranh quốc tế còn yếu, nhất là về kiến thức, am hiểu pháp luật. Tính chuyên nghiệp của một số doanh nghiệp chưa cao, thiếu sự liên kết chặt chẽ; nguồn lực tài chính, kinh nghiệm kinh doanh và năng lực quản lý còn hạn chế.
“Một bộ phận doanh nhân chưa tự giác tuân thủ pháp luật, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm; thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Thành phố cũng nhận thức được việc đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ những người kinh doanh là điều cần thiết và bền vững cho chu kỳ phát triển kinh tế tiếp theo của TPHCM. Thành phố sẽ tìm các giải pháp và cải thiện vấn đề này trong thời gian tới”, bà Thắng cho hay.
V.Dũng